Xử lý vấn nạn tin giả ở châu Á: Cuộc chiến còn dài

Nam Á và Đông Nam Á đã xuất hiện ngày càng nhiều cuộc tranh luận về “rối loạn thông tin,” một thuật ngữ bao gồm thông tin sai lệch, tin giả, thông tin xấu độc và phát ngôn thù địch.
Xử lý vấn nạn tin giả ở châu Á: Cuộc chiến còn dài ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng eurasiareview.com, sau nhiều năm chậm trễ, tỷ lệ người dân Nam Á sử dụng Internet cuối cùng đã đạt 50%.

Ở khu vực này, sử dụng Internet đồng nghĩa với sử dụng mạng xã hội, trong đó hầu hết người dùng dành toàn bộ thời gian cho các ứng dụng trò chuyện.

Nhiều người trong số họ có trình độ công nghệ thấp và thường thụ động trong một thế giới số đang tạo ra ảnh hưởng, thậm chí thông tin sai lệch và thao túng người dùng.

Một nhóm nhỏ khác là những người dùng tích cực hơn, làm việc từ xa trên các nền tảng kỹ thuật số và có được mức thu nhập cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả công việc của họ cũng có thể vô tình tiếp tay cho những âm mưu thao túng kể trên.

Giống như nhiều khu vực khác, Nam Á và Đông Nam Á đã xuất hiện ngày càng nhiều cuộc tranh luận về “rối loạn thông tin,” một thuật ngữ bao gồm thông tin sai lệch, tin giả, thông tin xấu độc và phát ngôn thù địch.

[Nhức nhối nạn tin giả trước thềm bầu cử tổng thống Philippines]

Đây không phải là một vấn đề mới. Nội dung sai sự thật và kích động từ lâu đã được nhiều chính phủ, cá nhân, các nhóm lợi ích đặc biệt và các tổ chức khác lan truyền thông qua các phương tiện phi kỹ thuật số. Tuy nhiên, công nghệ kỹ thuật số cho phép một lượng lớn thông tin lan truyền nhanh hơn và với phạm vi tiếp cận lớn hơn.

Rối loạn thông tin có thể lan rộng do nhiều tác nhân với các động cơ khác nhau.

Trong lĩnh vực chính trị, các chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến có tổ chức như “tế bào công nghệ thông tin” ở Ấn Độ, “nhà máy gây rối” ở Philippines, “người liên lạc” ở Indonesia và “đội quân mạng” ở Malaysia đã tìm cách tác động đến kết quả bầu cử và nhiều sự kiện chính trị khác.

Các chiến dịch này cũng có thể được triển khai xuyên biên giới. Một báo cáo của Phòng nghiên cứu tin giả EU năm 2020 đã mô tả một chiến dịch có tên là “biên niên sử Ấn Độ,” trong đó “làm sống lại các phương tiện truyền thông cũ, các tổ chức tư vấn và các tổ chức phi chính phủ cũ” như một phần của âm mưu làm suy yếu Pakistan trên phạm vi quốc tế.

Các phát ngôn căm thù người dân tộc thiểu số cũng lan truyền trên mạng. Tâm lý bài Hồi giáo cũng xuất hiện trên mạng xã hội Myanmar khi xung đột leo thang ở Rakhine vào năm 2017.

Đại dịch COVID-19 đã khiến thông tin sai lệch ngày càng lan rộng, trong đó có cả các phương pháp chữa trị giả.

Xử lý vấn nạn tin giả ở châu Á: Cuộc chiến còn dài ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ở Ấn Độ, nhiều loại thảo dược đã được lan truyền rộng rãi như “thuốc chữa” COVID-19 mà không có bằng chứng cụ thể nào. Một số cộng đồng dân tộc và tôn giáo đã bị coi là “kẻ phát tán” virus, trong đó có cả người Hồi giáo ở Ấn Độ.

Ngoài ra, cũng có một sự kết hợp đáng lo ngại giữa lao động kỹ thuật số với việc sản xuất thông tin sai lệch. Các trang tìm việc làm trực tuyến đang bị lợi dụng để tuyển nhân viên tham gia các chiến dịch thao túng thông tin.

Ở Pakistan, các diễn viên và nghệ sỹ lồng tiếng đã được thuê để ca ngợi Pakistan, chỉ trích Ấn Độ và khen ngợi Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trên Facebook. Một cộng tác viên tự do được thuê qua Fiverr đã không hề biết rằng khuôn mặt của cô bị sử dụng để phục vụ tuyên truyền.

Nhiều vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Philippines, nơi những người có tầm ảnh hưởng trên mạng tham gia vào các chiến dịch thông tin sai lệch, viện dẫn động lực làm giàu và trở thành một phần của tầng lớp trung lưu là nguyên nhân khiến họ tham gia các chiến dịch này.

Môi trường kiểm duyệt chính trị đang đặt ra nhiều thách thức, khi những người kiểm tra sự thật - có vai trò chỉ ra sai sót của các quan chức chính phủ - đều bị vu khống. Các chính phủ cũng vũ khí hóa việc chứng thực thông tin.

Ở Pakistan, những người "kiểm tra sự thật" thân chính phủ đã mạo danh các nhà báo chỉ trích "tin giả" của chính phủ và quấy rối các nhà báo này.

Các chính phủ đã nắm bắt nhu cầu phòng chống “tin giả” để thông qua một số quy định hạn chế mới. Hai ví dụ nổi bật là Đạo luật phòng chống hành vi sai lệch và thao túng trên mạng năm 2019 của Singapore và Đạo luật phòng chống tin giả của Malaysia năm 2018 (hiện đã bị bãi bỏ).

Tuy nhiên, các quy định về lời lẽ xúc phạm, luật an ninh mạng và công nghệ, luật truyền thông, quy định phòng chống COVID-19 và thậm chí một số lệnh cấm vận thời thuộc địa cũng được sử dụng để điều chỉnh phát ngôn.

Ví dụ, mục 66D Luật Viễn thông năm 2013 của Myanmar quy định rằng “việc tống tiền, ép buộc, khống chế, nói xấu, làm phiền, gây ảnh hưởng quá mức hoặc đe dọa bất kỳ người nào sử dụng mạng viễn thông” có thể bị phạt tới 3 năm tù.

Luật này từng được sử dụng để nhắm vào những người chỉ trích các thành viên chính phủ.

Đạo luật An ninh Kỹ thuật số của Bangladesh năm 2018 quy định rằng “nếu bất kỳ người nào, bằng phương tiện kỹ thuật số, thực hiện, xúi giục bất kỳ hoạt động tuyên truyền nào chống lại cuộc chiến tranh giải phóng của Bangladesh, tinh thần chiến tranh giải phóng, người cha của dân tộc, quốc ca hoặc quốc kỳ, thì đó là hành vi phạm tội.”

Những người chỉ trích biện pháp ứng phó COVID-19 của chính phủ đã bị bắt giữ theo luật này, trong đó có một người chết khi đang chờ xét xử.

Các luật này đã bị chỉ trích do định nghĩa mơ hồ, những hình phạt khắc nghiệt và bị sử dụng cho mục đích chính trị, vốn mang lại cho chính phủ nhiều công cụ để bịt miệng những người bất đồng chính kiến.

Rối loạn thông tin làm suy yếu tiến trình dân chủ, cổ súy bạo lực chống lại các dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương khác, cũng như cản trở việc ứng phó đối với các trường hợp khẩn cấp như bùng phát dịch bệnh.

Tuy nhiên, những phản ứng mạnh tay và thiếu tin tưởng của chính phủ nhiều nước châu Á không phải là giải pháp. Chúng ta không thể thay đổi luật pháp để thoát khỏi tình trạng rối loạn thông tin.

Câu hỏi đặt ra là cần làm gì trước tình trạng này. Kiểm tra thông tin độc lập của bên thứ ba ngày càng được coi là một giải pháp phổ biến. Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook đang làm việc với các cơ quan chứng thực ở từng nước để kiểm duyệt nội dung, giúp nền tảng này truy cập nội dung và ngữ cảnh bằng ngôn ngữ địa phương. Các bài đăng được cho là có thể gây hiểu lầm hoặc giả mạo đều bị các thuật toán của Facebook can thiệp để giảm mức độ lan truyền.

Một nghiên cứu khác cho thấy các bài đăng được chứng thực thì lại được người dùng chia sẻ ít hơn. Tuy nhiên, khối lượng nội dung cần chứng thực quá lớn nên rất khó để theo kịp. Rất ít người kiểm tra có thể làm điều này trên quy mô lớn, do thiếu trí tuệ nhân tạo và các công cụ phù hợp với bối cảnh châu Á, cũng như thiếu công cụ sàng lọc dữ liệu ngôn ngữ châu Á.

Việc thiếu các nguồn tin cậy để chứng thực cũng đặt ra những thách thức. Các kênh khiếu nại cũng có thể bị vũ khí hóa để đánh sập tài khoản mạng xã hội của các nhà báo và các tổ chức truyền thông bị cho là chỉ trích chính phủ.

Dạy giao tiếp trên các nền tảng số và truyền thông - trong đó có các chương trình đào tạo chính quy ở trường học hoặc các chương trình cấp cơ sở trong cộng đồng - là một cách khác để đối phó với tình trạng hiện nay.

Các biện pháp tương tự đã được triển khai ở nhiều nước như Phần Lan, trong đó dạy tư duy phản biện về thông tin sai lệch và giao tiếp trên mạng trong trường học, đã cho thấy những kết quả hứa hẹn.

Các sáng kiến dạy giao tiếp trên mạng ở châu Á đang diễn ra ở quy mô nhỏ hơn và hiếm khi được thực hiện nếu không có hệ thống giáo dục chính thức và dài hạn. Điều này rất quan trọng vì bằng chứng cho thấy các quốc gia có chất lượng giáo dục tốt hơn cũng có quyền tự do truyền thông cao hơn.

Ngay cả đối với các chương trình đã được thực hiện ở châu Á, vẫn còn rất ít thông tin về tác động của chúng. Đây là một lĩnh vực quan trọng cho nghiên cứu trong tương lai nếu mỗi người đều muốn chứng thực thông tin và trở thành người dùng mạng tích cực.

Tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa quyền tự do ngôn luận, vấn nạn tin giả và quyền riêng tư sẽ là chìa khóa cho tương lai kỹ thuật số của châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục