Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt, trong ngày 1/7, nhiều địa phương đã tiến hành kiểm tra, xử phạt các trường hợp người điều khiển và người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai.
Tại Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 117 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 450 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai và đội mũ không phải là mũ bảo hiểm đã bị xử phạt.
Bên cạnh việc xử phạt các hành vi trên, lực lượng cảnh sát giao thông cũng nhắc nhở và tận tình hướng dẫn, giải thích cho các trường hợp tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn mua và sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn với đầy đủ các thành phần, điều kiện cấu thành để giảm thiểu chấn thương khi không may xảy ra ra tai nạn giao thông.
Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tuyên truyền, nhắc nhở trên 450 trường hợp và Thành phố Hồ Chí Minh gần 150 trường hợp.
Cảnh sát giao thông các địa phương không lập các tổ chuyên đề để xử lý riêng hành vi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách mà kết hợp xử lý lỗi ban đầu để kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt.
Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt) cho biết lực lượng cảnh sát giao thông chỉ xử phạt các hành vi người ngồi trên xe môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai hoặc đội mũ không phải là mũ bảo hiểm như mũ thể thao, mũ thời trang, mũ nan, mũ bảo hộ lao động...
Tất cả các trường hợp đội mũ bảo hiểm mà cảnh sát giao thông xác định được là không đúng quy chuẩn chỉ bị nhắc nhở, không bị xử phạt.
Để giải quyết vấn đề mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, Bộ Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường cần quản lý chặt các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm, xử phạt nghiêm những cơ sở vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát kinh tế cần điều tra những cơ sở lợi dụng đưa sản phẩm ra thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Theo phản ánh của một số cảnh sát giao thông, không phải ai cũng có thể phân biệt chính xác mũ bảo hiểm thật và mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Việc quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy, xe đạp máy như hành vi không đội mũ bảo hiểm theo Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG là không phù hợp.
Nếu nói cách nhận biết và phân biệt mũ bảo hiểm không phải cho người đi môtô, xe gắn máy là mũ không không có đủ ba lớp (vỏ mũ-đệm hấp thụ xung động bên trong-quai mũ), không ghi nhãn “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” và không có dấu hợp quy CR cũng không chính xác do quy định ghi nhãn và dấu hợp quy sau này mới có, không ai có thể đi dán lại nhãn và dán dấu hợp quy cho những chiếc mũ đã mua từ trước đó; nhiều chiếc mũ do sử dụng lâu ngày đã rơi mất tem nhãn./.