Xu thế giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ hay chỉ là “hiện tượng tạm thời"?

Nếu Trung Quốc thực sự lợi dụng đồng Nhân dân tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, có lẽ họ đang theo đuổi một chiến lược rủi ro cao cho cả hai bên cũng như kinh tế toàn cầu.
Đồng 10.000 yen Nhật (phía trên) và đồng 100 Nhân dân tệ của Trung Quốc (phía dưới) tại ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Dư luận đang nóng lên về việc Bắc Kinh mở "mặt trận" tiền tệ mới trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nếu giới lãnh đạo Trung Quốc thực sự lợi dụng đồng Nhân dân tệ làm vũ khí trong cuộc chiến này, chắc chắn họ đang theo đuổi một chiến lược rủi ro cao cho cả hai bên cũng như nền kinh tế toàn cầu. 

Trong những tháng qua, đồng Nhân dân tệ đã mất giá hơn 8% so với đồng USD, với những đợt rớt giá liên tục khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp áp các mức thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giới quan sát quan ngại rằng Bắc Kinh đang cố ý đẩy giá đồng Nhân dân tệ xuống để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại của Trung Quốc và bù đắp thiệt hại do các khoản thuế mà Mỹ áp đặt.

Trung Quốc có chủ động phá giá đồng Nhân dân tệ?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng Trung ương) thừa nhận tỷ giá đồng Nhân dân tệ có một số biến động gần đây do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và những biến động trên thị trường tài chính quốc tế.

PBoC cho rằng sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ chủ yếu là do tâm lý thị trường lo ngại trước những bất ổn, chứ không phải vì sự suy thoái của các yếu tố nền tảng kinh tế Trung Quốc.

Các chuyên gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng không cho rằng việc đồng Nhân dân tệ rớt giá trong thời gian dài là hành động có chủ đích của Bắc Kinh, mà hiện tượng này xảy ra do nhiều yếu tố kinh tế khách quan, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hai lần từ đầu năm và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay khi kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng, hay các công ty Mỹ đổ tiền lợi nhuận về nước nhờ có cải cách thuế của Tổng thống Trump.

Tất cả các diễn biến này khiến cho giá trị của một số đồng tiền của các nước đang phát triển rớt giá so với USD.

Chu Hạo, nhà phân tích tiền tệ của ngân hàng đầu tư Commerzbank có trụ sở tại Singapore, bình luận: “Lý do chính ở đây là đồng USD đang ngày càng mạnh hơn, chứ không phải Trung Quốc nhắm tới việc đồng Nhân dân tệ yếu hơn trong cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ.”

Ông chỉ ra rằng đồng Nhân dân tệ vẫn còn tương đối mạnh so với các đồng tiền của các đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc, chẳng hạn như đồng euro.

Bên cạnh đó, các đồng tiền của các thị trường mới nổi khác, trong đó có đồng rupee của Ấn Độ và lira của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giảm mạnh so với đồng USD.

Đồng Nhân dân tệ yếu hơn có thể giúp cho ngành xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc cạnh tranh hơn trên toàn cầu vì các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn đối với những người mua trả bằng USD.

Tuy nhiên, giới phân tích lại không cho rằng đây là lý do khiến đồng Nhân dân tệ rớt giá.

Nhà phân tích Chu Hạo cho rằng giới chức Trung Quốc cũng nhận thức rõ ràng rằng nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá quá nhiều, có thể khiến ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đưa những cáo buộc về thao túng tiền tệ.

Tiến sỹ Trần Phượng Anh, chuyên gia kinh tế tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nhận định: “Chính quyền Trung Quốc không thể kiểm soát hoàn toàn tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ."

Bà cho rằng đồng Nhân dân tệ rớt giá trong thời gian dài không có lợi cho Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình quốc tế hóa đồng tiền này. Mặc dù việc này giúp cho các công ty xuất khẩu ở một mức độ nhất định, nhưng mặt khác nó lại ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu dầu, thép và các mặt hàng khác.

Tiến sỹ Trần Phượng Anh nhấn mạnh xu thế giảm tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD chỉ là một “hiện tượng tạm thời,” cũng như việc đồng USD sẽ không tăng giá so với các đồng tiền khác mãi mãi vì chính quyền Trump cũng muốn mở rộng xuất khẩu. Xuất khẩu của Mỹ sẽ khó khăn nếu đồng USD bị định giá quá cao.

Ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc

Đồng Nhân dân tệ rớt giá gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế Trung Quốc. Theo số liệu của công ty cung cấp dữ liệu tài chính Dealogic (Anh), trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã “tích lũy” các khoản nợ khổng lồ bằng USD thông qua hoạt động bán trái phiếu tại Hong Kong.

Đồng Nhân dân tệ trượt giá so với đồng USD khiến các khoản nợ trở nên “đắt đỏ” hơn đối với các công ty này.

Tình hình này sẽ gây khó khăn cho các công ty trong các hoạt động giao dịch, kinh doanh, thanh khoản, trả nợ và tái cấp vốn…

Việc đồng Nhân dân tệ rớt giá quá nhanh cũng có thể làm gia tăng làn sóng thoái vốn khỏi Trung Quốc do các nhà đầu tư mất niềm tin đối với cam kết của chính phủ Trung Quốc duy trì đồng Nhân dân tệ "ổn định cơ bản" trên thị trường ngoại hối, và tìm cách đổi Nhân dân tệ để mua các tài sản bằng USD và các đồng tiền khác.

Điều này đã từng xảy ra trong những giai đoạn biến động thị trường trầm trọng gần đây nhất ở Trung Quốc năm 2015 và đầu năm 2016 - khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mất 1.000 tỷ USD.

Do đó, việc cố ý phá giá đồng Nhân dân tệ hòng vô hiệu hóa ảnh hưởng của các đòn thuế quan của Mỹ bị xem là một hành động nguy hiểm.

Đối sách của Trung Quốc

Cuộc họp gần đây của Ủy ban phát triển và ổn định tài chính thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc chủ trì, đã nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả của cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ - biện pháp tác động tăng trưởng kinh tế thông qua việc thay đổi một vài biến số trong chính sách tiền tệ - nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2018.

Tại cuộc họp, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc đều nhận định cơ chế truyền dẫn tiền tệ có thể sẽ được cải thiện bằng cách điều chỉnh lãi suất cho vay ngân hàng, giá trị tài sản, kỳ vọng của thị trường và tỷ giá hối đoái.

Cụ thể, PBoC ngày 23/7 đã triển khai lộ trình mới khi “bơm” 502 tỷ Nhân dân tệ (74 tỷ USD) tiền mặt vào hệ thống ngân hàng nước này thông qua các khoản vay cho ngân hàng thương mại.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh dấy lên những quan ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Theo chỉ số Cơ chế giao dịch ngoại hối Trung Quốc (CFETS), đồng Nhân dân tệ đã suy yếu hơn 3,4% so với rổ tiền tệ trong tháng 7/2018.

Điều này đã khiến PBOC phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 0% lên 20% đối với các thể chế tài chính giao dịch hợp đồng ngoại hối kỳ hạn từ ngày 6/8 - thời điểm đồng Nhân dân tệ tụt 191 điểm cơ bản xuống 6,8513 Nhân dân tệ đổi 1 USD.

Động thái này là nhằm làm chậm bước trượt liên tục của đồng Nhân dân tệ. Theo chính sách mới, các tổ chức tài chính phải gửi 20% giá trị của hợp đồng chuyển tiếp Nhân dân tệ trong tháng trước vào tài khoản cầm giữ của PBoC trong một năm.

Tính đến cuối tháng 7/2018, PBoC cho biết dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm hơn 5 tỷ USD, đạt mức kỷ lục 3.118 tỷ USD và tăng nhanh hơn rất nhiều so với mức tăng kỷ lục 1,51 tỷ USD của tháng trước đó.

Động thái này cho thấy PBoC muốn tích lũy USD từ thương mại với Mỹ và quyết định không chi USD để bảo vệ đồng Nhân dân tệ.

Lượng dự trữ ngoại hối Trung Quốc tăng lên cũng cho thấy Tổng thống Trump sẽ phải vất vả đề kiềm chế mức thặng dư thương mại hiện nay, vốn đã tăng 13,8% lên đến 133,76 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sau khi đạt mức tăng kỷ lục 28,97 tỷ USD vào tháng 6/2018.

Có thể thấy, những đối sách liên tiếp của PBOC nhằm đẩy mạnh các giao dịch ngắn hạn và làm chậm bước trượt của Nhân dân tệ xuống mức 7 NDT/1 USD là những biện pháp “mềm” hơn so với can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối hoặc tăng lãi suất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục