Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại leo thang giữa hai nước, ngày 22/8, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc đàm phán cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại thủ đô Washington.
Phái đoàn của Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu đã gặp các quan chức Mỹ do Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass dẫn đầu.
Cuộc đàm phán dự kiến kéo dài trong hai ngày 22-23/8. Giới chức thương mại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nối lại đàm phán sau khi cả hai bên liên tiếp áp thuế ở mức cao đối với hàng hóa của nhau. Đây cũng cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại thủ đô Bắc Kinh vào tháng Sáu, song hai bên không đạt được thỏa thuận nào.
[Mỹ không lạc quan về đàm phán thương mại sắp tới với Trung Quốc]
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không kỳ vọng nhiều vào các cuộc thảo luận cấp chuyên viên này, đồng thời nhận định giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp lại số tiền tiền thuế quan phải trả cho Mỹ, đồng thời kêu gọi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có biện pháp đối phó.
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh các biện pháp thuế quan của Mỹ nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực lúc 11 giờ 01 ngày 23/8 (giờ Việt Nam). Phía Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá tương tự. Các mặt hàng bị áp thuế gồm dầu mỏ, các sản phẩm thép, ôtô và thiết bị y tế./.