Xuất hiện nhiều trang web làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng

Người dân cần xem kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công.
Các hội nhóm cung cấp biên lai chuyển khoản giả mạo hoạt động công khai trên mạng xã hội.

Hiện nay, việc mua bán hàng trực tuyến, giới thiệu sản phẩm trực tiếp (livestream) trên các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok ngày càng phổ biến.

Để trục lợi, chiếm đoạt hàng hóa, tiền, nhiều đối tượng xấu đã cố tình tạo biên lai chuyển khoản giả mạo để lừa người bán hàng. Điều đáng nói là xuất hiện ngày càng nhiều các hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ làm biên lai chuyển khoản giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng. Đáng chú ý, các hội nhóm này thu hút số lượng thành viên đông đảo, lên tới hàng chục nghìn người.

Trước tình trạng này, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khuyến cáo về việc xuất hiện nhiều website làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng rất giống hóa đơn thật.

Trong hội nhóm, các đối tượng sử dụng tài khoản ảo để đăng bài quảng cáo về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền của hàng loạt các ngân hàng khác nhau, công khai số điện thoại ghim trên bài đăng để liên hệ làm việc qua các nền tảng Zalo hay Telegram; đăng tải những sản phẩm hoàn thiện để lấy sự uy tín cho bản thân.

Ngoài ra, các đối tượng còn tạo lập một số website giả mạo hay lợi dụng sự tiện lợi và phổ biến của mã QR để thực hiện hành vi lừa đảo. Các biên lai chuyển khoản giả mạo được chỉnh sửa rất cẩn thận nên có giao diện rất khó phân biệt thật giả. Biên lai có đầy đủ thông tin và phông chữ như giống thật nên nếu chỉ nhìn qua sẽ dễ bị nhầm lần.

Anh Phạm Văn Kiên dùng trang facebook cá nhân để bán hàng trực tuyến. Với vài trăm đơn hàng được chốt sau mỗi lần livestream, nhân viên chốt đơn không thể để ý kỹ, so sánh mọi biên lai chuyển tiền với biến động tài khoản.

Anh Kiên đã bị khách hàng gửi biên lai giả chứng minh đã chuyển tiền mua hàng và thành công chiếm đoạt hàng mà thực tế không thanh toán tiền hàng. Hình thức lừa đảo này được nhiều đối tượng sử dụng để chiếm đoạt những hàng hóa có giá trị của người bán.

Khi nhận hàng thành công hoặc bị phát hiện, đối tượng xấu sẽ khóa liên hệ, lập tài khoản mới và lại tiến hành lừa đảo để trục lợi.

Để tránh bị lừa đảo, Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các đối tượng đề nghị mua hàng số lượng lớn. Khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần xem kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công.

Người dân đặc biệt lưu ý tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực một lần (OTP), email… cho bất kỳ đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.

Đồng thời, người dân nên kiểm tra và xác minh thông tin của người nhận trước khi thực hiện bất cứ giao dịch chuyển tiền nào trên mạng. Nếu nghi ngờ hoặc trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này, cần báo cáo sự việc cho cơ quan có thẩm quyền để cơ quan chức năng tiến hành điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục