Xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc tăng cao kỷ lục nhờ lithium

Lithium đã vượt qua LNG để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Australia sang Trung Quốc sau quặng sắt, với doanh thu tăng vọt lên 7,5 tỷ USD chỉ trong thời gian từ tháng 1-6/2023.
Xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc tăng cao kỷ lục nhờ lithium ảnh 1Trung Quốc đang sử dụng gần như toàn bộ sản lượng lithium của Australia. (Nguồn: Getty)

Theo trang mạng The Strategist của Australia, nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và giá hàng hóa giảm, nhưng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 102,5 tỷ AUD (65,75 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay nhờ các lô hàng lithium khổng lồ.

Lithium đã vượt qua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Australia sang Trung Quốc sau quặng sắt, với doanh thu tăng vọt lên 11,7 tỷ AUD (7,5 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023.

Hai năm trước, doanh thu bán lithium cho Trung Quốc trong nửa đầu năm chỉ đạt 470 triệu AUD (302 triệu USD).

Trung Quốc đang sử dụng gần như toàn bộ sản lượng lithium của Australia, cho thấy sự thống trị của nước này trong cả quá trình chế biến khoáng sản quan trọng và quá trình chuyển đổi năng lượng nói chung.

Theo Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên của Australia, ngoài Trung Quốc, chỉ 2% lithium của Australia đến Bỉ và 1% đến Mỹ và Hàn Quốc.

Sự phát triển của lithium - một mặt hàng xuất khẩu mới - đem lại lợi ích cho nền kinh tế, đặc biệt là vào thời điểm giá của các mặt hàng xuất khẩu khác đang trượt dốc.

Tuy nhiên, Chính phủ Australia đã cảnh báo về nguy cơ gián đoạn đối với chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng sẽ tăng cao khi quá trình sản xuất hoặc chế biến khoáng sản tập trung ở các địa điểm, cơ sở hoặc công ty cụ thể.

Dữ liệu thương mại chi tiết từ Bộ Ngoại giao và Thương mại cho thấy việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Australia chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Doanh số bán hàng cho hầu hết các đối tác thương mại chính khác của Australia đã giảm mạnh khi doanh số bán hàng sang Trung Quốc phục hồi.

Tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu của Australia đạt đỉnh 43% vào tháng 5/2020, và giảm xuống 28% vào giữa năm ngoái trong giai đoạn quan hệ Trung Quốc-Australia trở nên căng thẳng.

Trong cùng giai đoạn thị phần của Nhật Bản trong hoạt động xuất khẩu của Australia tăng từ 11% vào giữa năm 2020 lên 21% vào tháng 9/2022, trong khi thị phần kết hợp của các quốc gia châu Á tăng từ 22% lên 34%.

Giờ đây, với việc thị phần của Trung Quốc tăng trở lại 36% trong nửa đầu năm nay, thị phần của Nhật Bản đã giảm xuống 16% và phần còn lại của châu Á hiện chỉ chiếm 29%.

Hoạt động bán than của Australia sang Trung Quốc đã ngừng hoàn toàn trong năm 2021 và 2022, gây ra những thay đổi lớn trong thương mại than toàn cầu. Trung Quốc bắt đầu mua than từ Indonesia.

Trong khi đó, Ấn Độ đã tăng cường mua than của Australia - lượng than mà trước đó lẽ ra được xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, những dòng chảy này bây giờ đã đảo ngược. Chẳng hạn, việc Ấn Độ mua than của Australia đã tăng từ khoảng 1,5 tỷ AUD/tháng lên 2,5 tỷ AUD/tháng trong phần lớn năm ngoái, nhưng hiện đã quay trở lại mức khoảng 1,3 tỷ AUD.

[Australia nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc]

Trung Quốc hiện chi khoảng 1 tỷ AUD/tháng để mua than của Australia.

Trung Quốc cũng quay trở lại mua dầu của Australia, với giá trị tăng từ 0 lên 860 triệu AUD trong nửa đầu năm nay.

Mặc dù chưa bao giờ bị Trung Quốc đưa vào danh sách cấm mua hàng của Australia, song nhập khẩu lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác (trừ lúa mạch) đã tăng nhanh từ 500 triệu AUD trong nửa đầu năm 2021 lên 3,1 tỷ AUD cho đến thời điểm này năm 2023.

Thuế quan của Trung Quốc đối với rượu vang vẫn được duy trì và vào cuối tháng Sáu, Trung Quốc vẫn áp lệnh cấm thương mại đối với quặng đồng, dăm gỗ, gỗ và tôm càng của Australia.

Tổng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã tăng 22,4% trong nửa đầu năm nay, mặc dù giá hàng hóa giảm mạnh và vẫn có xu hướng tiếp tục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.