Mặc dù được dự báo có nhiều thuận lợi trong năm 2016, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, do tác động của biến đổi khí hậu, El Nino và sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước.
“Ăn theo” xâm nhập mặn
Trong những ngày qua, tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long), nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản lượng ngành lúa gạo trong năm 2016.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến giữa tháng 2, diện tích vụ lúa Đông Xuân ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán trên 340.000ha, chiếm chiếm 21,9% của toàn vùng; trong đó diện tích đã bị ảnh hưởng nặng lên đến 104.000ha.
Trước những thông tin này, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo đang có xu hướng tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo anh Nguyễn Công Trị, nông dân trồng lúa ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, do nhận định sẽ thiếu lúa nên nhiều nhiều nông dân ở đây đã tự động tăng giá bán cao hơn từ 100-200 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.
Giải thích thêm về đợt tăng giá lần này, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, với hàng trăm diện tích lúa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn hiện nay sẽ tác động khá lớn đến năng suất, sản lượng lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng ở riêng vụ Đông Xuân này mà có thể tác động xấu đến vụ Hè Thu và Xuân Hè kế tiếp.
Đứng về mặt tâm lý, ai cũng nghĩ như vậy nên khi vào vụ thu hoạch, giá lúa gạo đã được nâng cao hơn. So với trước Tết, lúa IR50404 tại ruộng ở Bến Tre có giá 4.400-4.500 đồng/kg, nay đã lên 4.600-4.650 đồng/kg.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, tình trạng xâm nhập mặn hiện nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra yêu cầu rất cấp bách trong việc theo dõi, bám sát và đánh giá cụ thể, cập nhật về tình hình mùa vụ, sản xuất để đảm bảo cân đối đúng thực tế sản lượng lúa gạo hàng hóa, phục vụ công tác điều hành.
Với tình hình xâm nhập mặn hiện nay, một vài doanh nghiệp đang cân nhắc việc ký hợp đồng mới, do lo lắng phải đền hợp đồng khi sản lượng gạo không đảm bảo.
Ngoài yếu tố tâm lý liên quan đến xâm nhập mặn, ông Lâm Anh Tuấn cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng đang tập trung mua vào, do lượng tồn kho năm trước chuyển sang hầu như không còn cũng khiến giá lúa gạo rục rịch tăng.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết thêm, giá gạo trong nước tăng một phần cũng do các doanh nghiệp đang phải gom đủ hàng để hoàn thành hợp đồng cung ứng cho Indonesia và Philippines.
Trong khi đó, diện tích lúa thu hoạch vụ Đông Xuân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn ít, nhiều cánh đồng lúa chủ lực chưa vào chính vụ thu hoạch.
Đồng thời, phía Indonesia, Philippines, Trung Quốc cũng đang có động thái muốn mua thêm gạo dự trữ đề phòng El Nino nên khiến giá gạo tăng lên.
Gạo cấp thấp lên ngôi
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, có một nghịch lý xảy ra trong ngành lúa gạo, đó là loại lúa gạo người dân đang thu hoạch không phải là loại gạo xuất khẩu chính hiện nay.
Nguyên nhân là do nhu cầu của các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam chủ yếu là gạo cấp thấp và trung bình (như gạo IR50404).
Trong khi đó, ở nhiều cánh đồng lúa chủ lực lại chỉ tập trung sản xuất gạo thơm, gạo nếp. Trên thực tế, do nhu cầu ít hơn nên giá gạo thơm nhẹ đang được cào bằng ngang với gạo IR50404 mà đầu ra chưa ổn định; còn những người trồng IR50404 lại trúng mùa, trúng giá và đầu ra được thương lái thu mua hết.
Anh Nguyễn Công Trị cho biết thêm, từ đầu vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đến nay, loại lúa đang bán chạy nhất là IR50404, còn “thảm nhất” là gạo thơm Jasmine.
Mặc dù loại lúa Jasmine nông dân vẫn bán được trên thị trường, nhưng có giá bán khá thấp. Nếu không có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp nông dân chỉ bán ở mức giá gần tương đương với các loại gạo cấp thấp khác.
Trước thực tế này, bài toán lựa chọn giống lúa nào để tập trung sản xuất hay để nhu cầu thị trường tự điều chỉnh lại đang đặt ra với các cơ quan chức năng. “Loại gạo thơm đúng là rất cần trong cơ cấu chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, do chất lượng gạo thơm ở Việt Nam hiện chưa thể sánh với các nước khác nên khi bán vẫn có mức giá khá rẻ. Ngược lại, gạo phẩm cấp thấp của Việt Nam đang có giá cao hơn so với Thái Lan khoảng 10USD/tấn.
Do đó, cơ cấu chất lượng gạo ở Việt Nam nên theo công thức “50% diện tích trồng giống lúa gạo thơm và 50% trồng giống lúa gạo cấp thấp, trung bình,” để tránh tình trạng “bỏ ngỏ” các thị trường truyền thống vốn có đầu ra tốt cho ngành lúa gạo, ông Đôn kiến giải.
Mặt khác, theo thông tin của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu năm 2016 đến nay, các hợp đồng cung cấp gạo nếp cho thị trường Trung Quốc được doanh nghiệp xuất khẩu ký khá nhiều.
Để hoàn thành hợp đồng, các thương nhân đua nhau mua gạo nếp, đẩy giá loại gạo này ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên 700 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2015.
Tuy nhiên, đáng nói ở đây là các doanh nghiệp này đang cạnh tranh không lành mạnh với nhau, thông qua việc chào giá bán thấp.
Giá gạo nếp được chào bán bị đẩy xuống từ 490 USD/tấn còn 480 USD/tấn, thậm chí có doanh nghiệp chào chỉ ở mức giá 472 USD/tấn.
Với những động thái này, rõ ràng các doanh nghiệp chỉ mang lại lợi ích cho các thương nhân nước ngoài, còn về lâu dài sẽ ảnh hưởng chung đến mức giá sàn xuất khẩu của loại gạo nếp ở các thị trường khác.
Do đó, nếu các doanh nghiệp không nhận thức rõ tình hình, tiếp tục cạnh tranh không lành mạnh với nhau giá trị của ngành lúa gạo Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm trên thị trường thế giới./.