Xuất khẩu gạo quý 1 giảm về lượng, đâu là nguyên nhân?

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung A cho rằng, xuất khẩu gạo quý 1 sụt giảm nghiêm trọng về lượng là do tình trạng thiếu hụt container rỗng và giá cước tăng.
Thu hoạch lúa Hè Thu 2020 ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thuộc vùng dự án VnSAT. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Quý 1 năm 2021 đã khép lại với tăng trưởng xuất khẩu khả quan, xuất siêu cũng rất ấn tượng. Dù vậy, ngành gạo lại có phần lép vế hơn bởi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 17,4% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về nguyên nhân, nhiều ý kiến nghiêng về thời điểm giáp hạt khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong đàm phán.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt container rỗng và giá cước vận chuyển tăng phi mã cũng không nằm ngoài khả năng dẫn tới thực trạng trên.

Do đó, nhằm giúp xuất khẩu gạo tăng thêm sức cạnh tranh, các chuyên gia thương mại cho rằng vẫn cần nhiều hơn nữa sự chủ động từ các doanh nghiệp cũng như giải pháp linh hoạt để ứng phó và tận dụng cơ hội từ các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Giảm lượng nhưng được giá

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2021 đạt 450.000 tấn với giá trị 246 triệu USD, lũy kế lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn, giá trị đạt 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, nguyên nhân xuất khẩu gạo quý 1 năm 2021 sụt giảm một phần là do trùng với khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, 2 tháng đầu năm là thời điểm giáp hạt, nguồn cung lúa gạo hạn chế trong khi giá lên cao nên các doanh nghiệp khó đàm phán hợp đồng xuất khẩu. 

Qua tháng 3, khi vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân thì tình hình xuất khẩu khả quan hơn. Tuy nhiên, tính tổng 3 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp giảm hơn 30% so với cùng kỳ, trong khi giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 20%. Hai thị trường nhập khẩu nhiều nhất vẫn là Philippines và Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, xuất khẩu gạo quý 1 sụt giảm nghiêm trọng về lượng là do tình trạng thiếu hụt container rỗng và giá cước vận chuyển tăng phi mã.

[Giá gạo 5% tấm Việt Nam rời khỏi mức đỉnh cao ấn tượng]

“Khách hàng vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhưng doanh nghiệp không đặt được container để đóng hàng, việc thiếu hụt container rỗng đã đẩy giá cước vận chuyển tăng gấp 600 -700%, từ 1.000 USD/container lên 6.000-7.000 USD/container và thiết lập luôn giá sàn mới. Với giá cước vận chuyển này, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà hàng loạt mặt hàng khác cũng rất khó đàm phán với người mua. Tình trạng này kéo dài khiến nhà nhập khẩu phải cân nhắc lùi thời gian nhận hàng hoặc tìm kiếm các nguồn cung gần hơn để giảm chi phí,” ông Phạm Thái Bình lý giải.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, quý 1 năm 2021 tuy lượng gạo xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng giá gạo xuất khẩu lại tăng cao bởi nhu cầu dự trữ lương thực của thế giới tăng cao đã đẩy mặt bằng chung giá gạo thế giới tăng lên.

Không chỉ giá gạo Việt Nam, mà giá gạo Thái Lan, Ấn Độ nhiều thời điểm cũng tăng vượt mức kỷ lục trong những năm gần đây. 

Tính đến hết quý 1 năm 2021, giá gạo Việt Nam tiếp tục giữ ở mức cao 547 USD/tấn, tăng 18,6%, tương đương mức tăng 86 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2020. Giá gạo như hiện nay đã và đang mang lại lợi ích cho người nông dân trồng lúa.

Ông Trần Quốc Toản cũng phân tích thêm rằng: Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam. Đặc biệt, gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. 

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực mang tầm chiến lược như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và gần đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

“Các FTA này đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dần được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán so với gạo trắng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu cho gạo Việt Nam,” ông Trần Quốc Toản khẳng định.

Động lực tăng trưởng

Dự báo về xuất khẩu gạo trong quý 2 năm 2021, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng, xuất khẩu gạo có thể sẽ khởi sắc hơn nhờ số lượng đơn hàng có chiều hướng tăng.

(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Hơn nữa, vụ Đông Xuân vừa kết thúc được mùa, giá lúa gạo có giảm nhẹ so với những tháng trước nên doanh nghiệp đã đẩy mạnh mua vào lượng lớn, nhờ đó nguồn cung lúa gạo đang rất dồi dào.

Giá lúa gạo xuất khẩu và lúa gạo trong nước đều giảm nhẹ theo quy luật chung khi vào vụ thu hoạch chính nhưng vẫn cao hơn so với những năm trước. Nhờ “được mùa, được giá” nên nông dân phấn khởi.

Cùng chung nhận định ông Phạm Thái Bình thông tin, sang quý 2 các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán hợp đồng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Các nước EU đang cần mua gạo nhưng khả năng đạt được thỏa thuận giao hàng sớm rất thấp vì giá cước vận chuyển đi các tuyến EU vẫn quá cao. Do đó, các doanh nghiệp tập trung tìm kiếm các hợp đồng với thị trường gần là Philippines và Trung Quốc khi hai thị trường này bắt đầu đợt tăng thu mua.

Về giá lúa gạo, ông Phạm Thái Bình cho rằng gạo Việt Nam xứng đáng giữ được mức giá hiện nay vì chất lượng được cải thiện đáng kể.

Các doanh nghiệp đàm phán xuất khẩu cần cân nhắc về giá, không nên hạ giá để lấy sản lượng vì như vậy người nông dân phải chịu thiệt và ảnh hưởng không tốt đến việc xác định giá trị thực của hạt gạo Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình chia sẻ thêm, Trung An sẽ mở rộng tìm kiếm khách hàng để đưa gạo ST 20 vào Anh. Tuy nhiên, đây là quốc gia có nhiều rào cản khắt khe với những sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm lương thực thực phẩm.

Cụ thể là tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường, đảm bảo nhân quyền cho công nhân trong các nhà máy chế biến…

Nhằm khai thác tối đa các lợi thế mà Việt Nam đã có được trong các FTA nhằm nâng cao thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, ông Trần Quốc Toản cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội thị trường như Hàn Quốc, EU...

Cùng với đó, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics, tín dụng cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu tạo tiền đề cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như người nông dân, ông Trần Quốc Toản lưu ý cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng, giá cả cũng như xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đa dạng hóa thị trường hướng tới xuất khẩu bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục