Xúc tiến thương mại trực tuyến: Đòn bẩy cho doanh nghiệp kết nối

Yêu cầu thay đổi cách xúc tiến thương mại mới, đa dạng hơn nhằm tạo đòn bẩy cho các ngành hàng, doanh nghiệp kết nối, xây dựng thương hiệu ở các thị trường nhằm vượt qua đại dịch trở nên cấp bách.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia đã buộc các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam phải thực hiện các biện pháp mạnh nhằm hạn chế sự lây lan. Điều này khiến hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp không thể diễn ra.

Trước tình hình đó, yêu cầu thay đổi cách thức xúc tiến thương mại mới, đa dạng hơn nhằm tạo đòn bẩy cho các ngành hàng và doanh nghiệp kết nối, xây dựng thương hiệu tại các thị trường nhằm vượt qua đại dịch trở nên cấp thiết.

Công ty H&J Craftlink Co., Ltd kinh doanh trong lĩnh vực sản phẩm may dệt, chủ yếu xuất khẩu, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Từ tháng 3/2020 đến nay, đơn hàng của công ty này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018-2019. Mặc dù mở thêm kênh bán lẻ trong nước và quốc tế nhưng doanh số cũng không cải thiện.

Đại diện công ty này cho hay, trước đây hoạt động xúc tiến thương mại của H&J Craftlink chủ yếu qua kênh trực tiếp như tham gia hội chợ, sự kiện giao thương tổ chức trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên các sự kiện này đã không thể tổ chức, khiến cho nhà cung cấp và nhà nhập khẩu không thể giao thương, tìm hiểu sản phẩm mới, kiểm định chất lượng trực tiếp.

[Hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại mới phù hợp kinh tế số]

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều khó tiếp cận vốn vay từ phía ngân hàng do quy mô nhỏ và biến cố dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của họ không có lãi.

Tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm chính là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Vì vậy, cần có các giải pháp đột phá, mới mẻ, “hiệu quả cao-tài chính thấp” cho các doanh nghiệp, có thể từ những cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Business2community)

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nhanh nhạy, sớm chuyển đổi từ mô hình tham gia hội chợ trực tiếp sang trực tuyến (online) đã tăng kim ngạch xuất khẩu, khai thác thị trường mới, không lệ thuộc vào thị trường truyền thống. Mô hình thương mại trực tuyến đang phát huy hiệu quả rất lớn trong đại dịch.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, trong quá trình triển khai hoạt động xúc tiến thương mại đã nảy sinh nhiều hạn chế, do nhiều rào cản về công nghệ kéo theo hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng.

Bộ Công Thương cũng nhìn nhận việc triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, do còn nhiều rào cản về công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách về xúc tiến thương mại cũng khó có thể đảm đương hết toàn bộ các công việc đòi hỏi chuyên môn như công nghệ số, marketing, truyền thông.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7/2021 đang có phần chững lại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 7/2021 ước đạt 55,7 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% so với tháng trước.

Dự báo nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam.

Đồng thời, các Hiệp định Thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Việt Hồng, đại diện Công ty H&J Craftlink Co., Ltd, cho hay để ứng phó và tăng cường xúc tiến thương mại, công ty đã tiến hành xây dựng hình ảnh trên các mạng xã hội như Pinterest, Instagram, Facebook, Tiktok; tăng cường việc đưa hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm lên trang website do công ty sở hữu.

Công ty cũng tích cực thay đổi cách tiếp cận khách hàng qua email, gửi e-catalogue, mở rộng thêm hình thức chào hàng, chấp nhận các đơn hàng nhỏ, chấp nhận gia công những sản phẩm khó, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt.

Bà Hồng kiến nghị, để hỗ trợ doanh nghiệp, các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu, có tính trung và dài hạn, thực hiện các hình thức mới thông qua môi trường kỹ thuật số để doanh nghiệp có chiến lược triển khai phù hợp.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn cho biết với chi phí chỉ bằng 1/10 so với tiếp xúc trực tiếp, kết nối trực tuyến hiện là giải pháp để doanh nghiệp duy trì được các mối liên hệ với thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng là công cụ tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường.

“Chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần do được rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7,” ông Sơn chia sẻ.

Kết nối giao thương trực tuyến là chìa khóa vàng để hàng hóa của doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu. Song, các chuyên gia cho rằng, không nên chỉ trông chờ vào các chương trình xúc tiến của nhà nước.

Bản thân doanh nghiệp có thể tự chủ động giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của công ty mình một cách chuyên nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục