Tình trạng lây lan các bệnh nhiễm trùng da từ ghẻ đến thủy đậu, chấy, chốc lở, phát ban... đang phản ánh một trong những tác động nặng nề và thực tại tàn khốc của cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas với Israel tại Dải Gaza.
Ngày 2/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo nêu rõ, hơn 150.000 người tại Gaza đã mắc các bệnh ngoài da trong điều kiện sống tồi tàn tại những nơi mà họ buộc phải di tản đến kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào ngày 7/10/2023.
Có tới 96.417 trường hợp bị ghẻ và nhiễm chấy; 9.274 trường hợp mắc thủy đậu; 60.130 trường hợp phát ban trên da và 10.038 trường hợp chốc lở.
WHO còn cảnh báo các căn bệnh khác cũng đang hoành hành trong các trại tị nạn, như có tới 485.000 ca bệnh tiêu chảy.
Là một trong hàng nghìn người bất hạnh phải di tản và sống tạm bợ trên bãi cát gần thành phố Deir al-Balah ở trung tâm Gaza, cô Wafaa Elwan cho biết gia đình của mình ngủ trên mặt đất, trên cát, nơi giun chui ra từ bên dưới. Cô không thể tắm cho các con của mình như trước do không có các sản phẩm vệ sinh.
Ngay tại khu vực bờ biển Địa Trung Hải, trẻ em cũng không thể xuống tắm vì ô nhiễm tích tụ do xung đột đã tàn phá các cơ sở vật chất cơ bản, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo dược sĩ Sami Hamid đang điều hành một phòng khám tạm thời tại trại tị nạn ở thành phố Deir al-Balah, ghẻ và thủy đậu đặc biệt phổ biến tại Gaza.
Trong khi đó, điều phối viên y tế của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Gaza, ông Mohammed Abu Mughaiseeb cho biết, trẻ em tại đây dễ mắc bệnh vì hệ thống miễn dịch suy yếu do suy dinh dưỡng.
Thời tiết nóng làm tăng mồ hôi và tích tụ bụi bẩn gây phát ban và dị ứng. Nếu da bị trầy xước sẽ dẫn đến nhiễm trùng.
Các bác sỹ MSF lo ngại sự xuất hiện của các bệnh ngoài da khác như bệnh do nhiễm ký sinh trùng Leishmania (Leishmaniasis) có thể gây tử vong ở dạng độc nhất.
Cùng ngày, Cơ quan Liên hợp quốc về Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở cận Đông (UNRWA) cho biết đạn dược chưa nổ gây ra mối đe dọa lớn đối với người dân tại Gaza khi ngày càng nhiều người trở về những khu vực bị ném bom hoặc chứng kiến giao tranh ác liệt.
Theo UNRWA, trẻ em tò mò tìm kiếm mọi thứ trong đống đổ nát. Do đó, các em phải đối mặt với những rủi ro khủng khiếp mỗi ngày. Không nơi nào an toàn ở Gaza.
Theo Cơ quan Hành động Bom mìn của LHQ, hơn 37 triệu tấn mảnh vỡ ở Dải Gaza chứa khoảng 800.000 tấn amiăng gây bệnh bụi phổi, các chất gây ô nhiễm khác và đạn dược chưa nổ. Ước tính nhất 10% số đạn đã bắn ra trong hơn 8 tháng giao tranh giữa Hamas và Israel có thể chưa nổ./.
WHO cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em nghiêm trọng ở Dải Gaza
28 trong tổng số hơn 8.000 em đã thiệt mạng và một bộ phận đáng kể dân số ở Dải Gaza đang phải đối mặt với các hiểm họa nhân đạo, điển hình như nạn đói.