Xung đột Mỹ-Trung Quốc có gia tăng sau sự kiện Afghanistan?

Theo báo Liên hợp Buổi sáng (Hong Kong) mới đây, cuối tháng Tám vừa qua, Mỹ đã rút khỏi "vũng lầy" chiến tranh Afghanistan vốn đã kéo dài 20 năm, thu quân trong vội vàng và uy tín bị tổn thất nặng nề.
Xung đột Mỹ-Trung Quốc có gia tăng sau sự kiện Afghanistan? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Liên hợp Buổi sáng (Hong Kong) số ra mới đây, cuối tháng Tám vừa qua, Mỹ đã rút khỏi "vũng lầy" chiến tranh Afghanistan vốn đã kéo dài 20 năm, thu quân trong vội vàng và uy tín bị tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục biện hộ cho quyết định rút quân, đồng thời nêu rõ một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ phải rút quân.

Cụ thể, trong bài phát biểu kết thúc chiến tranh Afghanistan, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng thế giới đang thay đổi, Mỹ đang cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc nên cần phải tăng cường sức cạnh trạnh để ứng phó với những mối đe đọa và thách thức mới trong thế kỷ XXI, đồng thời ông không quên nhấn mạnh rằng việc chống Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Mỹ hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng nói rằng điều mà Trung Quốc và Nga muốn nhìn thấy chính là Mỹ tiếp tục lún sâu vào "vũng lầy" Afghanistan thêm 10 năm nữa. Khi thoát khỏi chiến trường Afghanistan, Mỹ chắc chắn sẽ đầu tư sức mạnh quân sự và nguồn lực nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường răn đe và bao vây Trung Quốc - vốn bị Mỹ coi là “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” - nhằm bảo vệ địa vị thống trị toàn cầu của Washington.

Tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương như "nước với lửa," xung đột và đối đầu leo thang dường như là điều khó tránh khỏi.

Trên thực tế, sau khi lên cầm quyền vào đầu năm nay, Tổng thống Biden đã phục hồi quan hệ với các đồng minh truyền thống ở Tây Âu và Đông Á; đồng thời, sau khi nâng cấp cơ chế đối thoại an ninh 4 bên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Bộ Tứ), trọng tâm ngoại giao của Mỹ đã chuyển mạnh sang các khu vực xung quanh Trung Quốc.

Các thành viên chủ chốt trong Chính quyền ông Biden như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken, Phó Tổng thống Kamala Harris đã lần lượt tăng cường tiếp xúc với Đông Nam Á, tìm cách xoa dịu các nước trong khu vực, lấy lại uy tín mà Mỹ bị tổn thất do chiến tranh Afghanistan, đồng thời lôi kéo các nước láng giềng của Trung Quốc ngả về phía Mỹ.

Hãng tin AFP dẫn phân tích của chuyên viên nghiên cứu cấp cao Ryan Hass thuộc Viện Brookings cho rằng Mỹ và các đối tác châu Á có lợi ích chung trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình lâu dài, do đó, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ không gây ảnh hưởng dài lâu về uy tín của Mỹ ở châu Á.

[Mỹ: Lực lượng Taliban cam kết để người dân tự do rời khỏi đất nước]

Vị chuyên viên từng đứng đầu bộ phận đặc trách Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama này cũng cho rằng việc chuyển hướng sang Đông Á sẽ mở ra cơ hội mới cho Mỹ và các đối tác trong khu vực.

Ngay cả như vậy, chính sách sử dụng Đông Nam Á để gây sức ép đối với Trung Quốc của Mỹ vẫn chưa đạt được đột phá, các quốc gia chủ chốt trong khu vực hiện vẫn chưa tương tác cùng Mỹ, chính sách ngoại giao cân bằng của các nước này đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ không muốn bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Liệu cuộc tấn công ngoại giao quyến rũ của Mỹ đối với khu vực có được duy trì và mang lại hiệu quả hay không, điều này vẫn phải tiếp tục quan sát.

Gần đây, mặc dù Tổng thống Biden vẫn tiếp tục cuộc khẩu chiến với Trung Quốc về các vấn đề như truy tìm nguồn gốc dịch COVID-19, song tính cấp bách của vấn đề Afghanistan dường như đã thúc đẩy tần suất tương tác Mỹ-Trung Quốc gia tăng, đồng thời khởi động tiếp xúc ở nhiều cấp độ khác nhau.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc cho biết Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Chase đã tổ chức hội đàm trực tuyến với phía quân đội Trung Quốc, tập trung vào vấn đề kiểm soát khủng hoảng và rủi ro giữa hai nước. Đây là cuộc đối thoại quân sự đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc được tổ chức sau khi ông Biden lên cầm quyền.

Bên cạnh đó, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trao đổi ý kiến về tình hình Afghanistan và quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Đây cũng là cuộc điện đàm lần thứ hai giữa ông Vương Nghị và ông Antony Blinken về vấn đề Afghanistan trong vòng 2 tuần.

Trong cuộc điện đàm, ông Vương Nghị đã hối thúc Mỹ chấm dứt việc chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc dịch COVID-19, cho biết nếu Mỹ mong muốn quan hệ 2 nước quay lại quỹ đạo bình thường thì không nên tiếp tục bôi nhọ và chỉ trích Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị cũng khẳng định những vấn đề về Afghanistan, biến đổi khí hậu mà Trung Quốc và Mỹ kết nối gần đây cho thấy “đối thoại tốt hơn đối đầu, hợp tác tốt hơn xung đột,” thể hiện thái độ không từ bỏ việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Xung đột Mỹ-Trung Quốc có gia tăng sau sự kiện Afghanistan? ảnh 2Đặc phái viên phụ trách vấn đề khí hậu của Mỹ John Kerry. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/8, đặc phái viên về vấn đề biến đổi khí hậu của tổng thống Mỹ là John Kerry cũng có chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Trung Quốc, trực tiếp hội đàm với đặc phái viên về vấn đề biến đổi khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa ở Thiên Tân.

Đây là lần thứ hai ông Kerry đến Trung Quốc trong vòng nửa năm với tư cách đặc phái viên về vấn đề khí hậu của tổng thống sau chuyến thăm Thượng Hải hồi tháng 4/2021.

Bình luận về chuyến thăm của ông Kerry, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu, hai bên nên duy trì đối thoại và triển khai hợp tác cùng có lợi dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương trong một bài phát biểu trực tuyến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết ngày càng nổi bật của mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung Quốc về các vấn đề quan trọng như tình hình dịch bệnh, khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu...

Ông Tần Cương nhấn mạnh rằng Trung Quốc chưa bao giờ có tham vọng thách thức và thay thế Mỹ để thống trị thế giới, cũng như không muốn đánh bại Mỹ, đồng thời rất vui khi thấy Mỹ tiếp tục duy trì sự thịnh vượng và hùng mạnh dựa vào sức mạnh của mình. Ông Tần Cương cũng kêu gọi Mỹ cần xác định rõ "lằn ranh đỏ," tôn trọng lẫn nhau; duy trì đối thoại, kiểm soát bất đồng cũng như loại bỏ sự can thiệp, tập trung hợp tác.

Ông Tần Cương kêu gọi Mỹ đặc biệt cẩn trọng trong phát ngôn và hành động trong 5 vấn đề: Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, Biển Đông, không nên đụng đến và thách thức "lằn ranh đỏ" của Trung Quốc; đồng thời thể hiện thái độ sẵn sàng cùng Mỹ tăng cường đối thoại trao đổi giữa các cơ quan ngoại giao, kinh tế, tài chính, chấp pháp, quân đội..., xây dựng lại các cơ chế đối thoại liên quan, hiểu một cách chính xác ý định chính sách của nhau.

Mặc dù vấn đề Afghanistan đã tạo ra cơ hội tiếp xúc nhiều hơn cho Mỹ và Trung Quốc, thậm chí là cả không gian hợp tác giữa hai nước trong thời gian gần đây, nhưng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân dường như đã ngầm chỉ ra điểm xung đột tiếp theo khi nói rằng mặc dù quân đội Mỹ đã rút khỏi Afghanistan, nhưng hành vi tội ác giết hại dân thường mà quân đội Mỹ và đồng minh gây nên ở Afghanistan trong 20 năm qua cần phải được điều tra làm rõ, hung thủ cần phải được xét xử theo pháp luật.

Nếu Mỹ không từ bỏ vấn đề truy nguyên nguồn gốc dịch COVID-19, Trung Quốc có thể sẽ khởi động chương trình truy cứu trách nhiệm về chiến tranh Afghanistan, đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh phương Tây, khi đó triển vọng ổn định quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ ngày càng xa vời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.