Bộ Tài chính cho biết, sau khi Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm và ổn định. Tỷ lệ giảm từ khoảng 0,1- 34%, tùy từng chủng loại so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Đến nay, thời hạn cho việc áp giá trần đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gần hết hiệu lực (ngày 31/12), việc Chính phủ có nên tiếp tục áp dụng biện pháp này hay không đang được các doanh nghiệp kinh doanh sữa và người tiêu dùng hết sức quan tâm.
Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang hướng tới trở thành một nền kinh tế thị trường toàn diện và được quốc tế công nhận. Các yếu tố hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cần do thị trường đánh giá và quyết định trong khuôn khổ pháp luật. Các doanh nghiệp sữa thật sự gặp không ít khó khăn với biện pháp quản lý này khi vừa phải đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến vừa phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại với mức giá của các sản phẩm nhập ngoại này cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, còn phải đương đầu với biện pháp quản lý hành chính phi thị trường làm kìm hãm sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), các cơ quan chức năng nên xem xét, không tiếp tục duy trì áp dụng quản lý của nhà nước đối với giá sữa theo biện pháp quản lý giá tối đa. Với các yếu tố kinh doanh do thị trường quyết định, các doanh nghiệp mới có thể phát huy tối ưu các thế mạnh, năng lực cạnh tranh và từ đó mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.
“Biện pháp can thiệp về quản lý giá này thật sự đang mâu thuẫn với quy luật kinh tế thị trường và tự do kinh doanh theo tinh thần các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia. Ngành sữa cũng đã được Chính phủ đánh giá và xác định là ngành không cần có sự chi phối và can thiệp sâu của nhà nước.” - ông Quỳnh nói.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh cũng cho rằng về ngắn hạn người tiêu dùng được mua sữa với giá thấp hơn nhờ việc áp giá trần. Về trung và dài hạn việc áp giá trần sẽ hạn chế việc đầu tư phát triển và cải tiến sản phẩm, giảm cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để có sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá cả hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Việc áp giá trần trong trung và dài hạn là đi ngược với quy luật cạnh tranh lành mạnh của kinh tế thị trường; không thúc đẩy việc phát triển kinh doanh sản xuất của ngành hàng; không hướng đến việc cải tiến chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, do đó không đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất trong dài hạn.
Tuy nhiên, dưới góc độ người tiêu dùng thì chị Nguyễn Thị Mai Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) lại ủng hộ phương án áp trần giá sữa của Bộ Tài chính. Chị Linh cho biết, trước khi chưa áp giá trần, giá sữa bột Nan liên doanh được chị Linh mua với giá trên 400.000 đồng/hộp 900g, hiện khoảng 340.000 đồng/hộp, tùy chủng loại.
“Chưa kể, các cửa hàng cũng bán mỗi nơi một giá, không nơi nào giống nơi nào. Nên tôi rất lo lắng nếu cuối năm bỏ áp giá trần thì giá sữa lại tăng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng như chúng tôi,” chị Linh chia sẻ.
Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc Eurocham (NFG) - Tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ đại diện cho 6 công ty sữa đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam kiến nghị, cho phép mặt hàng sữa quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định và không kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa hiện hành hoặc không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.
NFG cũng cho rằng, trong trường hợp cần thiết, chỉ áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong một khoảng thời gian giới hạn nhất định và đối với các sản phẩm thiết yếu "đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người" như quy định trong Luật Giá. Đối với thị trường sữa công thức, Chính phủ không nên kiểm soát giá bán của các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình, mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc thị trường bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp./.