Ý nghĩa sau những thay đổi trong chiến lược quốc phòng của Australia

Lần đầu tiên kể từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, Australia ưu tiên khả năng phát hiện và định vị các lực lượng quân sự “thù địch” ở phía Đông - khu vực vốn được coi là không có xung đột quyền lớn.
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại cuộc họp báo ở Canberra ngày 22/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại cuộc họp báo ở Canberra ngày 22/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức 270 tỷ AUD (190 tỷ USD) giai đoạn 2020-2030, chủ yếu tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Giáo sư Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, thông qua lời giới thiệu tài liệu về kế hoạch chiến lược quốc phòng mới, ông Morrison đã phát đi một thông điệp rõ ràng: Australia phải và sẽ chuẩn bị cho nguy cơ xuất hiện xung đột vũ trang trong khu vực.

Trong bài phân tích đăng trên tờ The Age (Australia), Giáo sư Medcalf viết: Tài liệu có tiêu đề đơn giản là “Cập nhật Chiến lược Quốc phòng” nhưng lại ẩn chứa những nội dung có ý nghĩa sâu sắc đối với tương lai của Australia.

Đó là một kế hoạch chi tiết xây dựng khả năng quân sự chống lại các cuộc chiến lớn và do đó, về nguyên tắc, giúp ngăn chặn chúng nổ ra.

Ở một mức độ nhất định, đây chỉ đơn giản là việc chính phủ thực thi nhiệm vụ đầu tiên: đảm bảo an ninh quốc gia, lợi ích và giá trị của nó. Nhưng điều thay đổi là Chính phủ đã nhận ra một nguy cơ đang xấu đi nhanh chóng và biết rằng đã hết thời gian để trì hoãn đưa ra các lựa chọn khó khăn cho những gì mà Lực lượng Quốc phòng Australia sẽ phải thực hiện.

Bối cảnh của mối đe dọa chiến lược không chỉ liên quan tới việc Trung Quốc tăng cường lực lượng vũ trang, mà còn liên quan mật thiết tới cách mà quốc gia này đang mở rộng quyền lực trên toàn khu vực, nơi mà Australia gọi là “nhà”- khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đáng tiếc là cơ hội hợp tác đi kèm với đại dịch COVID-19- về lý thuyết, một thách thức chung như vậy sẽ buộc các quốc gia tạm dừng mọi sự cạnh tranh để nỗ lực hợp tác- đã bị bỏ lỡ.

Thực tế là Trung Quốc đã lựa chọn cách thức này để tăng cường thúc đẩy sự thống trị của họ, từ Hong Kong đến Đài Loan, từ Nhật Bản đến Biển Đông, từ biên giới Ấn Độ đến việc sử dụng đòn bẩy kinh tế chống Australia.

Trung Quốc đang ngày càng hoạt động mạnh mẽ hơn như một cường quốc quân sự ở Đông Nam Á, Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Phần lớn vòng cung phía Bắc Australia hiện là khu vực xảy ra tranh chấp và “trò chơi quyền lực lớn,” không chỉ giữa Trung Quốc và Mỹ, mà cả giữa Trung Quốc và các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia cũng ngày càng gia tăng.

Canberra đã đáp lại điều này bằng một tuyên bố dứt khoát rằng việc ngăn chặn các mối đe dọa đối với lợi ích của Australia trong vòng cung này là ưu tiên hàng đầu của các lực lượng Australia.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một đấu trường rộng lớn và Australia không thể tạo ra tầm ảnh hưởng quyết định ở mọi nơi, nhưng Canberra cam kết Australia sẽ duy trì lợi thế quân sự và tình báo ở những vùng biển gần đó.

[Australia tăng chi tiêu quốc phòng lên 200 tỷ USD trong thập kỷ tới]

Một sự phát triển lớn và có liên quan, được ẩn giấu phần nào trong văn bản tài liệu của Chính phủ Australia, là quyết định cho phép thực sự mở rộng phạm vi giám sát hàng hải ở Thái Bình Dương.

Mạng lưới Radar Jindalee Over-the Horizon từ lâu đã là công cụ hữu hiệu giúp Australia phát hiện các tàu và máy bay qua lại các vùng biển tiếp giáp phía Bắc và Tây Bắc. Quyết định “để mắt” đến phía Đông là một thay đổi lớn.

Ý nghĩa sau những thay đổi trong chiến lược quốc phòng của Australia ảnh 1Tàu hải quân Hoàng gia Australia HMAS Choules tại thành phố Brisbane, bang Queensland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên kể từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, Australia ưu tiên khả năng phát hiện và định vị các lực lượng quân sự “thù địch” ở phía Đông - một khu vực vốn được coi là không có xung đột quyền lực lớn.

Một khả năng chủ quyền khác minh chứng ý định cho phép các lực lượng của Australia hoạt động độc lập hơn với đồng minh Mỹ là cam kết về một kế hoạch mới nhằm xây dựng một mạng lưới vệ tinh và trạm mặt đất chuyên dụng của Australia.

Nói cách khác, Australia cuối cùng trở nên nghiêm túc hơn trong việc có thể tìm kiếm và nhắm mục tiêu vào các đối thủ tiềm năng mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Chính phủ Australia cũng cam kết dự trữ số lượng đạn dược và nhiên liệu lớn hơn trên đất Australia, để phòng trường hợp nếu khủng hoảng xảy ra trong tương lai, quân đội nước này có thể hỗ trợ một cuộc xung đột hoặc phong tỏa kéo dài.

Kế hoạch tổng thể cho chiến lược quốc phòng tương lai của Australia là một nghịch lý, bao gồm cả việc ít phụ thuộc vào Mỹ.

Bất chấp những bước tiến theo hướng độc lập hơn về khả năng răn đe và chiến đấu của Australia, việc tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng - tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu tối tân, tàu và hệ thống không người lái - về cơ bản sẽ lại phụ thuộc vào công nghệ và nguồn cung của Mỹ. Và Morrison chắc chắn sẽ không muốn “đặt dấu chấm hết” cho tương lai của liên minh với Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn có các quyết định khó đoán, rõ ràng là về mặt cơ sở chiến lược, Australia vẫn tin tưởng Mỹ sẽ tiếp tục tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Xét cho cùng, nếu Mỹ nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Trung Quốc- và có vẻ như đang có hai luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này tại Washington, họ sẽ phải duy trì các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và duy trì các liên minh và quan hệ đối tác đang dựa duy nhất vào sức mạnh của Mỹ.

Việc trở thành “người chỉ huy” có thể không còn là mục tiêu thực tế hay hợp lý của Mỹ, nhưng ngay cả một Washington yếu hơn vẫn là một thế lực cân bằng đáng gờm trong khu vực, nơi mà rất nhiều quốc gia đang mong muốn ngăn chặn sự thống trị ngang ngược của Trung Quốc.

Canberra đang hành động trên quan điểm cho rằng bằng cách trở thành một đồng minh mạnh mẽ hơn- có thể quan tâm nhiều hơn tới lợi ích quốc gia trong một khu vực rộng lớn hơn, nước này sẽ có thể tạo ra một số ảnh hưởng đến lựa chọn của Mỹ, cũng như làm gương cho các đối tác khác về tự tăng cường nguồn lực và kiên cường hơn.

Đằng sau chính sách này là một mạng lưới chiến lược ngoại giao mới, hướng sự chú ý vào Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia - không chỉ trên các vấn đề quốc phòng mà còn bao gồm cả công nghệ biên giới, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và bảo vệ chống lại ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc.

Những con số đằng sau việc tăng cường lực lượng quốc phòng mới có thể gây nhầm lẫn: kế hoạch đầu tư trị giá 270 tỷ AUD hứa hẹn chồng chéo với một kế hoạch đã có, nhưng điều chắc chắn là bất chấp đại dịch và cú sốc kinh tế, chính phủ cam kết duy trì và thậm chí tăng ngân sách quốc phòng.

Đây không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng thách thức sẽ giúp chuẩn bị tinh thần cho thời kỳ bão tố phía trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.