Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Yemen Rashad Al-Alimi ngày 14/6 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm gây sức ép buộc lực lượng Houthi ngừng tấn công các cơ sở dầu mỏ, vốn đã khiến chính phủ Yemen thất thu hàng tỷ riyal doanh thu từ lĩnh vực này.
Trong cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ về Yemen Tim Lenderking tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ông Al-Alimi nêu rõ các hành động của lực lượng Houthi, như tấn công vào các cơ sở dầu mỏ, cấm hàng hóa được vận chuyển từ các khu vực do chính phủ kiểm soát vào lãnh thổ do lực lượng này chiếm giữ cũng như quấy nhiễu ngành ngân hàng, có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và cản trở chính phủ chi trả tiền lương cho các nhân viên trong khu vực công.
Ông Al-Alimi nhấn mạnh với Đặc phái viên Mỹ rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, cần đảm nhận trách nhiệm đối phó với các cuộc tấn công của lực lượng Houthi, bởi những hành động của lực lượng này có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn và khiến chính phủ Yemen không còn khả năng trả lương cho nhân viên từ tháng này.
Ông Sultan Al-Arada, một thành viên của Hội đồng Tổng thống Yemen, cho biết chính phủ Yemen có thể sẽ xem xét khả năng ngừng các chuyến bay thương mại từ Sân bay quốc tế Sanaa cũng như hạn chế tàu thuyền ra vào cảng Hodeidah nếu Houthi tiếp tục tấn công các cơ sở dầu mỏ cũng như cấm vận chuyển hàng hóa và khí đốt từ các khu vực do chính phủ kiểm soát.
Houthi đã cấm giới thương nhân ở những khu vực do lực lượng này kiểm soát nhập khẩu hàng hóa qua cảng Aden hoặc các cảng khác do chính phủ kiểm soát, khiến họ chỉ có thể nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hodeidah.
[LHQ và lãnh đạo Yemen kêu gọi các bên chấm dứt tình trạng thù địch]
Chính phủ Yemen gọi các hành động của Houthi là "cuộc chiến kinh tế" nhằm rút tiền của chính phủ, buộc chính phủ phải chia sẻ nguồn thu dầu mỏ với lực lượng này, cũng như trả lương cho nhân viên trong các khu vực do Houthi kiểm soát.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Yemen Ahmed bin Ahmed Ghaleb nói rằng chính phủ Yemen đã mất hàng tỷ riyal doanh thu từ dầu mỏ do "các biện pháp kinh tế" của Houthi chống lại chính phủ, bao gồm cả việc đình chỉ xuất khẩu dầu thô.
Ông Ghaleb cho biết thêm chính phủ Yemen đã thất thu 1 tỷ USD từ hành động cấm xuất khẩu dầu của Houthi và hơn 700 tỷ riyal (2,8 tỷ USD) từ nguồn thu thuế và hải quan kể từ khi lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4/2022 do các thương nhân từ bỏ các cảng của chính phủ để chuyển sang sử dụng các cảng do Houthi kiểm soát.
Ông Ghaleb chỉ ra rằng chính phủ đã mất các nguồn thu từ thuế và hải quan do thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời lưu ý chỉ 30% chi tiêu hiện nay của chính phủ đến từ các nguồn tài nguyên.
Yemen đã rơi vòng xoáy xung đột quân sự kéo dài nhiều năm sau khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát một số thành phố phía Bắc và lật đổ Chính phủ Yemen vào năm 2014.
Xung đột đã khiến nhiều dân thường thương vong và đẩy quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết cơ quan này cần 4,3 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động nhân đạo tại Yemen trong năm 2023.
OCHA thông báo họ có kế hoạch cung cấp viện trợ khẩn cấp cho 14 triệu người tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này trong năm nay.
Theo ước tính của OCHA, tổng cộng 21,6 triệu người, chiếm 2/3 dân số Yemen, cần hỗ trợ nhân đạo trong năm nay, giảm từ 23,4 triệu người năm 2022./.