Yemen siết an ninh ở Aden sau vụ tấn công khiến ít nhất 49 người chết

Các lực lượng an ninh được vũ trang hạng nặng và xe bọc thép đã được triển khai xung quanh các cơ quan chính phủ và căn cứ quân sự tại nhiều khu vực thuộc Aden.
Lực lượng an ninh được triển khai tại hiện trường vụ tấn công ở Aden, Yemen, ngày 1/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

An ninh đã được siết chặt tại nhiều khu vực ở thành phố Aden, miền Nam Yemen, trong ngày 2/8 sau khi xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào lực lượng quân sự khiến ít nhất 49 người thiệt mạng.

Các lực lượng an ninh được vũ trang hạng nặng và xe bọc thép đã được triển khai xung quanh các cơ quan chính phủ và căn cứ quân sự tại nhiều khu vực thuộc Aden. Nhiều trạm kiểm soát mới cũng được thành lập xung quanh các cửa ngõ và ngã tư chính của thành phố.

Trao đổi với báo giới, một quan chức an ninh Yemen giấu tên cho biết các thông tin tình báo cho thấy các nhóm khủng bố đang âm mưu thực hiện thêm các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Aden.

Theo quan chức trên, tất cả lực lượng an ninh và các đơn vị chống khủng bố đang được đặt trong tình trạng báo động và cảnh giác cao độ đề phòng nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở thành phố lớn thứ hai Yemen hiện do chính phủ kiểm soát này.

[Các tay súng al-Qaeda tấn công đẫm máu nhằm vào binh sỹ ở Yemen]

Trước đó, ngày 1/8, một vụ đánh bom xe liều chết ngằm vào một đồn cảnh sát ở khu vực Sheikh Othman của thành phố Aden làm 13 nhân viên an ninh thiệt mạng.

Cùng ngày, tại phía Tây thành phố, một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào một căn cứ quân sự đã làm 36 binh sỹ mới nhập ngũ thiệt mạng. Phiến quân Houthi tuyên bố đã tiến hành vụ tấn công này. Ngoài số người thiệt mạng, ít nhất 48 người bị thương trong các vụ tấn công trên.

Yemen đã rơi vào cuộc nội chiến giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận và phiến quân Houthi từ cuối năm 2014. Xung đột đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và khiến cho quốc gia này trở nên kiệt quệ.

Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại Yemen đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với khoảng 24 triệu người cần viện trợ nhân đạo và cần sự bảo vệ, trong đó 20 triệu người bị thiếu lương thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục