Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chính phủ được quốc tế cộng nhận của Yemen đã yêu cầu Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed đưa ra một thỏa thuận hòa bình mới, với các nội dung cốt lõi tôn trọng Nghị quyết 2216 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Hội nghị Đối thoại Dân tộc cũng như Sáng kiến hòa bình do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất.
Tờ Gulf News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 12/3 đưa tin, Ngoại trưởng Yemen, ông Abdul Malek Al Mikhlafi đã nói với Đặc phái viên Liên hợp quốc Shaikh Ahmad rằng chính phủ của ông mong muốn chứng kiến một kế hoạch hòa bình khác không vi phạm ba "khuôn khổ tham chiếu hòa đàm" nói trên.
Tổng thống Yemen Abd Rabbo Mansour Hadi và Chính phủ Yemen đã kịch liệt phản đối bản dự thảo hòa bình trước đó, trong đó yêu cầu ông Hadi và Phó Tổng thống phải chuyển giao quyền lực cho một Phó Tổng thống mới cho tới khi một Tổng thống mới được bầu ra.
Các quan chức cấp cao trong Chính phủ Yemen cho biết đại diện một số trong 18 quốc gia bảo trợ cho các vòng hòa đàm Yemen đã gây áp lực buộc Tổng thống Hadi và Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen thay đổi quan điểm về kế hoạch hòa bình. Trong khi đó, Chính phủ Yemen luôn cương quyết với lập trường rằng lực lượng Houthi phải hạ vũ khí và rút khỏi các thành phố mà họ chiếm giữ trước khi có thể tiến tới bất kỳ thỏa thuận chính trị nào.
Trong khi đó, những diễn biến trên thực địa cũng cho thấy vấn đề Yemen đang trở nên phức tạo hơn, trong bối cảnh chiến tranh và bạo lực tại quốc gia Trung Đông này sắp bước sang năm thứ ba. Các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lương chính phủ và phiến quân Houthi đã nổ ra cuối tuần qua khi quân chính phủ tiến gần hơn tới tỉnh Saada ở miền Bắc. Đây được coi là khu trung tâm của lực lượng Houthi.
Chiến sự tại Saada đã bùng phát và trở nên căng thẳng kể từ tháng 10/2016, khi các lực lượng chính phủ, với sự hỗ trợ của Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, mở chiến dịch tiến công vào tỉnh này từ khu vực biên giới giáp với Saudi Arabia.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ Chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Hadi. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, xung đột tại Yemen trong hơn 2 năm qua đã khiến 7.400 người thiệt mạng và gần 40.000 người bị thương./.