Thông tin từ Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, với mục tiêu đầu tư, xây dựng hệ thống radar biển tần số cao để quan trắc các yếu tố sóng biển, dòng chảy biển phục vụ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trên vùng biển, hải đảo của Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đầu tư hệ thống rađar biển giai đoạn 1 gồm 3 trạm thu/phát tín hiệu và Trạm trung tâm.
Dự án hệ thống radar biển tần số cao nhằm hướng tới việc dự báo sóng biển, hoàn lưu bề mặt biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, xác định dầu tràn, xác đàn cá nổi và cảnh báo sớm sóng thần, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh chủ quyền lãnh thổ vùng biển, hải đảo của Việt Nam.
Đến nay, Trung tâm Hải Văn (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) - đơn vị được phân công thực hiện đã hoàn thiện việc xây và lắp đặt thiết bị xong cho 3 trạm Rada biển theo đúng kế hoạch phê duyệt, gồm: Trạm Hòn Dấu (đảo Dấu tại thành phố Hải Phòng) trên diện tích 260m2, với thiết bị tổ hợp radar biển sử dụng năng lượng thấp, có tầm quan trắc 200km đối với dòng chảy bề mặt, 20km đối với sóng biển.
Trạm radar biển số 2 nằm tại khu đất thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô diện tích sử dụng là 7.200m2 hệ thống radar biển có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển; trạm radar biển số 3 tại khu đất thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trên diện tích sử dụng đất 20.000m2 có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển; và Trạm điều hành trung tâm tại số 8, Pháo Đài Láng, Hà Nội.
Theo báo cáo, hệ thống radar biển đã thu thập được các số liệu dòng chảy khu vực biển Vịnh Bắc Bộ và sóng tại các vị trí trên đường Trung tuyến góc quét của 3 trạm radar biển, các số liệu này đã được phân tích tại Trạm điều hành Trung tâm và các sơ đồ trường dòng chảy tầng mặt từng giờ vùng biển Vịnh Bắc bộ, sơ đồ dòng chảy 2 chiều đã được xử lý.
Tuy nhiên, những số liệu tại trạm quan trắc này chưa được đưa vào sử dụng, và đang trong quá trình chạy thử nghiệm do Đề án Khai thác và sử dụng hệ thống radar biển chưa được phê duyệt, số lượng cán bộ có trình độ, chủ chốt để theo dõi và thực hiện việc giám sát tại các trạm còn thiếu và chưa có kinh phí hoạt động thường xuyên.
Chính vì thế, tại buổi làm việc với Tổng cục Biển và Hải đảo về kết quả dự án Radar biển vào ngày 19/11, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã yêu cầu Trung tâm Hải văn phải nhanh chóng hoàn thiện Đề án, lấy ý kiến các vụ chức năng, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm đưa hệ thống radar biển hiện đại này vào sử dụng.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng đề nghị Trung tâm Hải văn phải in, dịch tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về công tác vận hành máy móc thiết bị của các trạm radar biển và tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác phụ trách.
Ngoài ra, Trung tâm Hải văn cũng cần liên hệ trực tiếp và thường xuyên với đối tác cung cấp thiết bị nước ngoài và các cơ quan quốc tế đã vận hành thông suốt hệ thống này để học tập kinh nghiệm và hiệu chỉnh tần số để đạt được độ chính xác cao./.