10 sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong năm 2016

Năm 2016 đã xảy ra hàng loạt sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện tượng cá chết bất thường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, vỡ bể chứa bùn thải ở Cao Bằng, cá chết ở Hồ Tây,...
Vỡ bể chứa bùn thải của nhà máy chì, kẽm ở tỉnh Cao Bằng
Chiều 5/1, bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC, ở xóm Lạng Cá, (Pác Miều, Bảo Lâm, Cao Bằng) đã bị vỡ tấm bêtông đáy khiến cho hàng trăm nghìn m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm khiến cho sông Gâm bị ô nhiễm nặng.

Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ cống bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC, nhiều chuyên gia môi trường đã bày tỏ lo lắng về mức độ ảnh hưởng của sự cố tới dòng nước sông Gâm và đời sống dân sinh khu vực.

Vỡ bể chứa thải nhà máy chì kẽm, môi trường bị ô nhiễm nặng. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Sông Bưởi bị ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ
Liên tiếp những ngày đầu tháng 5/2016, sông Bưởi (thuộc địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình) đã xảy ra hiện tượng cá chết nổi lên mặt nước, trôi dạt vào bờ làm nguồn nước sông bị ô nhiễm, gây lo lắng cho nhiều hộ dân sinh sống hai bên bờ sông.

Sau khi tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá chết, Tổng cục Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 3 doanh nghiệp, cơ sở “đầu độc" sông Bưởi với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.

Cá chết nhiều trên sông Bưởi. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)
Sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh ven biển miền Trung
Sự cố môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) xảy ra từ đầu tháng 4/2016.

Sau khi xảy ra sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, cùng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước và các địa phương liên quan đã vào cuộc điều tra, triển khai quan trắc đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường...

Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, và cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Cá chết tại vùng biển tỉnh Quảng Bình. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Xác cá chết nổi dập dềnh gây mùi tanh hôi xung quanh Hồ Tây
Sáng ngày 2/10, tại khu vực Hồ Tây, đoạn đường Thanh Niên, người dân phát hiện một lượng lớn cá chết, nổi trắng mặt hồ. Xác của hàng ngàn con cá, động vật thủy sinh nổi dập dềnh trên mặt nước, mang theo mùi hôi tanh rất khó chịu.

Cho rằng sự việc cá chết hàng loạt tại Hồ Tây mới đây là “chưa hề có,” Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, tìm nguyên nhân cá chết.

Cá chết hàng loạt tại Hồ Tây. (CTV/Vietnam+)
Doanh nghiệp sản xuất đũa, giấy Đắk Nông bị phạt hơn 440 triệu
Ngày 14/9, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 440.100.000 đồng đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Huy Hùng Đắk Nông, có địa chỉ tại thôn 7, (Đắk Ha, Đắk Glong, Đắk Nông) vì gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đũa, giấy.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Vỡ bờ bao, chất thải titan nhuộm đỏ biển tại tỉnh Bình Thuận
Rạng sáng 16/6, bờ bao hồ chứa chất thải khai thác titan của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Quang Cường ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã bị vỡ. Hồ chứa này rộng khoảng 3.000m2, phục vụ việc chứa chất thải khai thác titan.

Sự cố vỡ bờ bao hồ chứa chất thải trên đã khiến hàng trăm mét khối nước và cát tràn ra đường, tràn vào các khu du lịch, một số nhà dân lân cận và đổ ra bãi biển Thuận Quý, khiến vùng biển tại đây bị nhuộm đỏ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Doanh nghiệp khai thác khoáng sản xả thải “bức tử” sông Cẩm Đàn
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong ngày 6/7, một số cơ quan báo chí đã có bài viết phản ánh việc Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường đóng tại xã Cẩm Đàn (Sơn Động, Bắc Giang) nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi xả nước thải “bức tử” sông Cẩm Đàn.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra ngay hoạt động “gây hại môi trường” của doanh nghiệp.

Hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sông Cẩm Đàn. (Nguồn ảnh: TNMT)


Người dân Tuyên Quang thấp thỏm sống dưới "bom" bùn mangan
Sau hơn 10 năm Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí - Mỏ mangan MIMECO Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, hoạt động khai thác mangan bằng phương pháp tuyển rửa, hàng ngàn mét khối đất bùn được tích tụ; trong khi đó hệ thống bờ bao lại xây dựng một cách tạm bợ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân sống trong khu vực mỏ.

Trước thực trạng nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, Chi nhánh Công ty MIMECO mangan Phúc Sơn phải dừng ngay hoạt động khai thác, tuyển rửa; hoàn thành việc gia cố bờ bao, nạo vét bùn thải.

Mỏ mangan MIMECO Phúc Sơn gây ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Nhà máy giấy xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm sông Lạch Tray
Từ nhiều năm nay, nước thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hapaco Hải Âu (tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) – một doanh nghiệp chuyên về sản xuất giấy vẫn xả thẳng ra sông Lạch Tray, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Trước thực tế nêu trên, ngày 20/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã có quyết định xử phạt Công ty Hapaco Hải Âu do vi phạm lĩnh vực môi trường với số tiền trên 400 triệu đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Lo ngại nhà máy giấy Trung Quốc sử dụng xút, “bức tử” sông Hậu
Trước thông tin lo ngại sau khi hoạt động, nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có thể gây “bức tử sông Hậu” vì sử dụng lượng xút lớn, chiều 1/11, công ty này đã tổ chức buổi họp báo giải đáp các thông tin liên quan tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội).

Tại buổi họp báo, ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc điều hành Công ty sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, đối với sản xuất giấy bao bì, công ty có sử dụng sút nhưng với số lượng rất ít. Lượng sút này chỉ được dùng trong một loại sản phẩm, chủ yếu là để điều chỉnh độ PH (chỉ số đo độ hoạt động của các ion hiđrô) cho phù hợp. Tuy nhiên, lượng xút được sử bao nhiêu thì ông không đưa ra con số cụ thể.

Một đoạn sông Hậu. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục