100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hoạt động tiêm chủng tại cả 4 điểm trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương.

Chương trình được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 và Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022.

Trong ngày 8/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm cho 377 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 66 người, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm cho 104 người, tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn dẫn đầu các đoàn công tác của Bộ Y tế đến từng điểm tiêm chủng để kiểm tra, giám sát các khâu chuẩn bị cho quá trình tiêm như bảo quản, vận chuyển vaccine; bố trí các khu vực chức năng tại điểm tiêm chủng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều; đảm bảo việc tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy định về tiêm chủng và phòng dịch của Bộ Y tế. Các Thứ trưởng đều đánh giá cao khâu chuẩn bị và hoạt động triển khai tiêm chủng thực tế tại các địa điểm này.

[Mũi tiêm vaccine đầu tiên và trọng trách của chiến binh tuyến đầu]

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hoạt động tiêm chủng tại cả 4 điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.

Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết các điểm tiêm chủng tại tỉnh Hải Dương đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế và tổ chức rất thành công, đảm bảo an toàn tiêm chủng đồng thời chủ động phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2.

Trong ngày 9/3, các điểm tiêm chủng nêu trên tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai. Các tỉnh còn lại đang lập kế hoạch để tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới./.

Sáng 8/3, Bộ Y tế bắt đầu triển khai tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 tại nhiều điểm trên cả nước như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và tại tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại Hà Nội, xe chuyên dụng cũng đưa vaccine đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, để chuẩn bị tiêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết cả đợt bệnh viện có 420 nhân viên y tế tiêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bố trí 3 bàn tiêm tại Phòng Tiêm chủng, Trung Tâm Phòng chống dịch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Vaccine AstraZeneca được sản xuất, đưa vào sử dụng trong nhóm nhanh nhất trên thế giới. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cả nước, được chuẩn bị đầy đủ, bài bản nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những người thuộc diện tiêm sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và theo tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24h. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24 giờ tại bệnh viện, cơ sở y tế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các đơn vị tiêm chủng chủ động theo dõi, ghi nhận các phản ứng sau tiêm báo về Bộ Y tế để thu thập thông tin sau tiêm, có biện pháp ứng xử kịp thời. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cận cảnh vaccine của AstraZeneca. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những người được tiêm chủng đợt này là nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở điều trị COVID-19. Họ trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 hoặc có nguy cơ cao nhiễm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người tiêm đủ hai liều vaccine AstraZeneca. Mũi tiêm thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được phân bổ 450 liều vaccine trong tổng số 117.600 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bộ Y tế cũng yêu cầu các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng cũng phải trang bị hộp chống sốc, phòng trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong đợt này, Bộ Y tế đã phân phối vaccine trước cho 13 tỉnh đang có dịch, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngoài ra, có 600 liều được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dự kiến, tháng 3/2021 sẽ có thêm 1,3 triệu liều vaccine nữa về trong chương trình Covax Facility. Các tháng tiếp theo sẽ tăng dần lên, đảm bảo đủ 100 triệu liều cho đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục