110 năm Ngày Bác Hồ tìm đường cứu nước: Tự hào thành phố mang tên Bác

Vinh dự và tự hào là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, nhân dân TP.HCM đang quyết tâm hơn nữa để thành phố "đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước (ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn), là thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiên cường giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết, ra sức phấn đấu, phát huy bài học kinh nghiệm quý báu trong đấu tranh cách mạng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển để thành phố thực sự trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia chủ đề “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” diễn ra cuối tháng 5/2021, trong tham luận của mình, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ đầu năm 1930, Đảng bộ thành phố Sài Gòn ra đời, trực tiếp lãnh đạo nhân dân thành phố kiên trung đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định từ năm 1930 đến năm 1975 luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của thực dân, đế quốc, vẫn một lòng kiên trung, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc,” “đi trước về sau” qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà vô cùng oanh liệt.

Dựa vào dân, nhờ trí tuệ và sức mạnh lòng dân, 45 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Thành phố là những trang sử sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Đảng bộ thành phố quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, hệ thống các căn cứ đã hình thành và phát triển vững chắc nhờ dựa vào nhân dân.

Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã xây dựng, phát triển hàng loạt căn cứ kháng chiến lớn nhỏ, căn cứ ở vùng ven, lõm chính trị ở nội đô… tiêu biểu như căn cứ Vườn Thơm - biểu tượng hào hùng của những tháng năm mở đầu cuộc kháng chiến; căn cứ Rừng Sác mà sông rạch, thủy triều, rừng cây đã biến nơi này trở thành một “trận đồ bát quái;” căn cứ Củ Chi nổi tiếng với hệ thống địa đạo có độ dài hàng trăm km tỏa rộng trong lòng đất, là một công trình đánh giặc độc đáo và vĩ đại của Việt Nam.

[Tiếp nối hành trình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ]

Cùng với đó là hàng loạt căn cứ du kích, lõm du kích ở vùng ven đô thị và trong nội đô, các cơ sở cách mạng, hầm bí mật. Nhờ những căn cứ kháng chiến vững chắc như thành đồng ấy mà Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã vượt qua khó khăn, kiên cường kháng chiến, liên tiếp giành được chiến công vang dội.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 2/7/1976, thành phố Sài Gòn-Gia Định chính thức được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào là thành phố mang tên Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đứng lên, nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế.

Nắm vững chủ trương của Đảng, Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn thành phố, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với Trung ương và nhân dân, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh kiên trì từng bước để tháo gỡ, vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, tiếp tục tìm tòi hướng đi đúng đắn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân, làm sáng tỏ dần con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với cách làm mới, tư duy mới. Qua đó góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Từ thực tiễn sinh động của thành phố sau những năm giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế, chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ đổi mới, thành phố đã nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung để hướng đến nền kinh tế xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở. Sau quá trình chuẩn bị địa điểm và lựa chọn đối tác nước ngoài, đến tháng 9/1991, Khu Chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước được thành lập.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, quyết tâm thí điểm mô hình kinh tế mới đã tạo ra yêu cầu và cung cấp dữ liệu thực tế để ra đời các quy định pháp luật điều chỉnh khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây chính là khung pháp luật để thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.

Thành phố là nơi khởi phát ý tưởng cũng như triển khai các mô hình thí điểm về thành lập Trung tâm Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, sau đổi thành Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng thị trường vốn, quỹ đầu tư phát triển đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi đầu tiên triển khai khu đô thị mới, thay đổi tư duy trong phát triển đô thị theo hướng hiện đại.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương khởi xướng nhiều phong trào được nhân dân hưởng ứng và sau đó lan rộng ra cả nước như, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình “Mùa hè xanh."

Các phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà thành phố cùng cả nước đang xây dựng, ông Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh. 

Nỗ lực xây dựng, phát triển xứng tầm

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất trong cả nước được vinh dự mang tên Bác. Thành phố luôn nỗ lực, phấn đấu để xây dựng, phát triển xứng tầm là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Vào các năm 1982, 2002 và 2012, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết xác định vị trí và tầm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt, năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Quận 1). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đây là quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp tình hình phát triển của thành phố sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 35 năm đổi mới, giúp thành phố vừa phát huy tốt hơn các thế mạnh truyền thống của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, cùng cả nước.

Liên tục nhiều năm qua, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì mức tăng trưởng cao nhất cả nước, luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27%.

Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải thiện, năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất bình quân cả nước.

Thành phố là địa phương đầu tiên có quyết định xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2025, đang được triển khai tích cực.

Thành phố đang quy hoạch và triển khai xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố với mục tiêu là động lực cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh có Khu Công nghệ cao với tổng đầu tư trên 7 tỷ USD, xuất khẩu trên 8 tỷ USD với trên 45.000 lao động chất lượng cao và được xem là Khu Công nghệ cao thành công nhất cả nước.

Ngoài ra, Thành phố có Khu Công viên phần mềm Quang Trung với 200 doanh nghiệp, hơn 11.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin. Doanh thu năm qua đạt hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó hơn 80% là từ doanh thu xuất khẩu. Đây là công viên phần mềm thành công nhất cả nước.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Cán bộ, công chức, đảng viên tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lòng tin trong nhân dân tiếp tục được củng cố, đóng góp quan trọng vào việc ổn định và phát triển thành phố.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong những bước phát triển đi lên của Đảng bộ, nhân dân thành phố, chúng ta như luôn thấy Bác cùng hiện diện.

Người là niềm tin, là sức mạnh, động lực thôi thúc mạnh mẽ để mỗi người dân thành phố ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố, phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức vào tháng 10/2020 đã xác định các mục tiêu phát triển của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ: “… xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.”

Để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đi vào chiều sâu, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện bằng nhiều hình thức, giải pháp mới thiết thực, thuyết phục hơn, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu, dần trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của cán bộ, đảng viên và người dân thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định một số việc cần tập trung thực hiện như quy hoạch và xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu của thành phố gắn với tôn vinh sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật định kỳ để người dân, du khách đến thành phố hiểu biết sâu hơn và tự hào về sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”

Vinh dự và tự hào là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng bộ, nhân dân thành phố vẫn đang quyết tâm hơn nữa để Thành phố Hồ Chí Minh “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Bác hằng mong ước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục