Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 363.600 thí sinh trúng tuyển đợt một theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia, chỉ có hơn 242.000 thí sinh đã đến các trường đại học làm thủ tục nhập học. Hơn 120.000 thí sinh còn lại đã từ chối cơ hội nhập học.
Đau đầu vì thí sinh “đỗ ảo”
Chiều nay, Đại học Cần Thơ đang họp để quyết định việc có xét tuyển bổ sung hay không, do sau khi kết thúc thời gian nhận phiếu báo điểm của thí sinh, trường vẫn còn thiếu rất nhiều chỉ tiêu.
“Trước đó, trường đã khẳng định là sẽ không xét tuyển bổ sung nên nếu giờ công bố xét tuyển thì nghĩa là trường đã nói mà không giữ lời, nhưng xét tuyển bổ sung thì sẽ tạo thêm nhiều cơ hội khác cho các em chưa trúng tuyển đợt một,” phó giáo sư Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng nhà trường phân trần.
Trước đó, vị phó hiệu trưởng này đã phải lên facebook để thăm dò ý kiến dư luận, nhất là ý kiến thí sinh, về việc trường có nên xét tuyển bổ sung hay không. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Nhiều thí sinh cho biết do trường khẳng định sẽ không xét tuyển bổ sung nên thí sinh đã “đầu quân” sang một trường đại học khác, trong khi nhiều thí sinh lại tỏ rõ sự vui mừng vì có thể có thêm cơ hội xét tuyển vào trường. Những ý kiến trái chiều càng làm cho vị hiệu phó Đại học Cần Thơ đau đầu tính toán.
[Vẫn nhiều cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt một]
Không chỉ Đại học Cần Thơ, rất nhiều trường đại học khác cũng phải công bố tuyển bổ sung. Đại học Thủy lợi thiếu 990 chỉ tiêu. Đại học Mỏ-Địa chất tuyển bổ sung 1.230 chỉ tiêu cho 14 ngành đào tạo. Đại học Lâm Nghiệp tuyển bổ sung gần 850 chỉ tiêu cho 36 ngành…
Tuy nhiên, việc tuyển bổ sung cũng không mấy khả quan là sẽ mang lại cho trường số lượng thí sinh lớn như mong đợi. Theo ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, kinh nghiệm của ông cho thấy, số tuyển được từ xét tuyển bổ sung không nhiều. "Trường rất vất vả với nhiều công đoạn khi xét bổ sung, nhưng chỉ được vài chục em. Vì thế, năm nay dù chỉ tuyển được 75% chỉ tiêu nhưng chúng tôi cũng không xét đợt hai," ông Vệ chia sẻ.
Thí sinh có nhiều lựa chọn khác?
Theo phó giáo sư Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần mềm lọc ảo để xác định mỗi thí sinh chỉ đỗ một trường thay vì nhiều trường như mọi năm, nhưng đây chỉ là một hình thức ảo. Còn phương thức ảo khác là thí sinh đỗ nhiều trường theo cả hai hình thức tuyển là dựa trên điểm thi trung học phổ thông và dựa trên học bạ; thí sinh đỗ nhưng không nhập học, thì nằm ngoài khả năm kiểm soát của phần mềm của Bộ.
[Điểm chuẩn quá cao, thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học]
“Tuy nhiên, nếu nhìn vào số thứ tự nguyện vọng của thí sinh thì cũng có thể đoán được điều này. Thí sinh đăng ký ở nguyện vọng đầu thì đó là trường, ngành các em thực sự yêu thích. Càng ở nguyện vọng sau thì độ mặn mà của thí sinh càng giảm dần, thậm chí chỉ là đăng ký để chống trượt, vẫn đảm bảo về mặt danh tiếng là có đỗ đại học, nhưng thí sinh sẽ không học vì không thích,” ông Lập phân tích.
Theo ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Khoa học Tự nhiên, tỷ lệ thí sinh nhập học của trường năm nay khoảng 75%. “Chúng tôi không ngạc nhiên về điều này vì năm nào cũng có một lượng thí sinh ảo tương tự,” ông Vệ cho biết.
Cũng theo ông Vệ, thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn khác như xét tuyển dựa trên học bạ bậc trung học phổ thông để vào một trường đại học khác, hoặc học cao đẳng, học trường nghề, hoặc di du học.
Ngay tại trường đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn luôn có lượng thí sinh đỗ ảo, đỗ mà không học. “Tỷ lệ này chiếm khoảng 5 đến 8%. Dù Bách khoa là trường nhóm đầu nhưng các em có thể có cơ hội khác tốt hơn như xin được học bổng đi du học,” phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Theo lịch tuyển sinh năm 2017, thời gian để các trường còn thiếu chỉ tiêu thực hiện xét tuyển bổ sung là từ 13/8. Thời gian kết thúc tùy theo quy định của từng trường./.