16.000 người dân tại Hà Nội khốn khổ sống chung với... muỗi

Nhiều năm nay, người dân phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) quen với một nếp sinh hoạt lạ: sáng thể dục cùng vợt muỗi, tối ăn cơm trong màn tuyn, đêm có tiếng “tạch tạch” từ đèn bắt muỗi ru ngủ...
Nhiều năm nay, vợt, đèn bắt muỗi, màn tuyn đã gắn liền với đời sống của khoảng 16.000 người dân phường Tứ Liên (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Nhắc đến phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), hẳn ai cũng nghĩ ngay tới một nơi sống lý tưởng, vừa tiện đường đi lại, vừa có không khí trong lành. Nhưng “nằm trong chăn mới biết chăn có rận,” mấy người biết được, tại khu vực này nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân đang phải khốn khổ sống chung với... muỗi.

Mỗi ngày, người dân Tứ Liên hình thành một cái nếp sinh hoạt lạ kỳ: sáng tập thể dục với vợt muỗi, chiều chui vào màn tuyn... ăn cơm. Thậm chí, trước khi đi ngủ, tiếng tách tách từ chiếc đèn bắt muỗi chẳng khác gì âm thanh ru ngủ của tất cả mọi người.

Lắc đầu ngán ngẩm, ông Đinh Văn Cao (cụm 5, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cho biết: “Nhiều năm rồi, chúng tôi đã phải sống chung với bầy muỗi. Cứ diệt chúng nó lại đến, mỗi ngày một đông.”

Cứ chiều đến, cả nhà ông Cao có 6 người, đi học đi làm về là dượt 1 lần vợt khắp nhà, vì muỗi tầm này là nhiều nhất, không giết bớt ăn cơm không ngon. Người đàn ông đã ngoại lục tuần, với khắp mình mẩy là vết muỗi cắn, đổ ra sàn nhà cho chúng tôi xem bát đựng muỗi chết nơi chiếc đèn. Cứ sau mỗi đêm, chiếc đèn bắt muỗi làm việc hết công suất, thành quả là bát muỗi với hàng nghìn con... Nhưng theo ông Cao, cũng chỉ như muối bỏ bể.

Thành quả sau mỗi đêm hoạt động hết công suất của những chiếc đèn bắt muỗi (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Theo những cư dân sinh sống tại đây, những ngày mưa, ngày trời nồm, là thời điểm thích hợp cho bầy muỗi sinh sôi, hoạt động. Muỗi bay đầy cả khu phố như diễu hành, giăng đầy trần nhà, bám đầy quần áo. Anh Lê Đức Thắng (cụm 5, phường Tứ Liên), cởi bỏ chiếc áo mưa, nửa đùa nửa thật: “Như mấy ngày mưa thối đất thối giời như hôm trước, nói không phải quá chứ đi dạo một vòng quanh khu, giũ ra muỗi chắc còn nhiều hơn nước mưa...”

“Nhưng người lớn lâu rồi cũng quen, chứ khổ nhất là tụi nhỏ, muỗi đốt cho sưng người, ăn chả ăn được, học chả học được.” Anh Thắng ngán ngẩm chỉ tay về phía cậu con trai 10 tuổi, đang vừa ghi bài vừa đập muỗi.

Bà Trần Thị Dật, tổ trưởng tổ dân phố 17 (cụm 5, phường Tứ Liên) cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến nạn muỗi khủng khiếp là do con kênh nằm giáp ranh giữa phường Quảng An và phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội)”.

Người dân 2 phường gọi đây là con kênh “chết,” có người gọi là bức tường rác. Nhiều năm nay, con kênh vốn trước đây trong sạch đã bị làm ô nhiễm bởi ý thức kém của người dân, thi nhau đổ rác thải xuống dòng kênh, ra lề đường, dòng chữ “cấm đổ rác” viết sơ sài trên mỗi bức tường cứ bị che dần bởi đống rác được chất ngày một cao. Con kênh dài 2km mà đi tới đâu cũng thấy rác, ngập ngụa trong lòng nước đen kịt, với mùi hôi thối nồng nặc và bầy muỗi hiên ngang như thể là chủ cả một vùng.

Đầm Tứ Liên tắc nghẽn và ô nhiễm nặng nề có thể là lý giải cho cơn ác mộng muỗi của người dân tại đây (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bách - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Tứ Liên cho biết: Con kênh bị tắc tại cuối đầm Tứ Liên, toàn bộ nước thải thoát ra theo một đường cống nhỏ. Nhiều năm nay, do hệ thống thoát nước không đủ đáp ứng với lượng nước thải dẫn đến bị tắc, kèm theo thói quen xả rác của người dân dẫn đến con đầm bị ùn ứ, ô nhiễm nặng nề.

Theo ông Bách, hàng năm, phường có phối hợp cùng các cơ quan liên ngành, tổ chức nạo vét, phun thuốc, lấy mẫu muỗi để xét nghiệm, đồng tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân. Tuy nhiên, khi thuốc phun từ sở dịch tễ hết hiệu lực, cộng với thói quen xả rác bừa bãi của người dân khiến cho tình trạng trên vẫn tiếp diễn và ngày một nặng nề hơn.

Dòng chữ sơ sài trên bức tường kia rồi cũng sớm bị che đi bởi rác (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Phó chủ tịch phường Tứ Liên cũng cho biết: Sắp tới, phường và quận sẽ triển khai dự án bê tông cống hoá liên phường nhằm giải quyết triệt để tình trạng trên. Nhưng từ nay cho tới khi dự án hoàn tất, 16.000 người dân của phường vẫn sẽ phải tiếp tục chiến đấu với muỗi, với ô nhiễm và nguy cơ bệnh tật tiềm tàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục