20 công dân Ai Cập bị phiến quân Hồi giáo bắt cóc tại Libya

Các phiến quân Hồi giáo thuộc nhóm Ansar al-Sharia ở phía Đông Lybia đã bắt cóc 20 người Ai Cập theo đạo Cơ đốc tại nước này.
Các phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia ở Lybia. (Nguồn: worldbulletin.net)

Các phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia ở Lybia đã bắt cóc 20 người Ai Cập theo đạo Cơ đốc tại nước này.

Theo một nguồn thạo tin tại Libya, 13 trong số công dân Ai Cập bị bắt cóc ngày 3/1 tại thành phố Sirte, cách thủ đô Tripoli 500km về phía Đông, trong khi những người còn lại bị bắt giữ vài ngày trước đó. Danh tính của những người này chưa được công bố.

Hiện hàng nghìn lao động Ai Cập đang làm việc tại Libya, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và nghề thủ công. Họ thường là mục tiêu tấn công của phiến quân kể từ khi Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn do xung đột phe phái.

Hồi tháng Hai, thi thể của 7 công dân Ai Cập theo đạo Cơ đốc bị bắn chết đã được tìm thấy gần Benghazi, thành phố lớn thứ 2 của Libya. Mới đây nhất, một cặp vợ chồng người Ai Cập cũng bị bắn chết tại nhà ở Sirte, quê hương của cố lãnh đạo Moamer Kadhafi, trong khi con gái 13 tuổi của cặp vợ chồng này bị bắt cóc và sau đó được tìm thấy khi đã chết.

Tuần trước, quân đội Libya lần đầu tiên đã không khích các vị trí của phiến quân Hồi giáo tại Misrata, một căn cứ quan trọng của liên minh Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya).

Theo các nguồn tin quân sự, ngày 3/1, thành phố lớn thứ ba này của Libya một lần nữa bị tấn công bởi hàng loạt cuộc không kích của quân đội chính phủ. Tại thị trấn Soknah, cách thủ đô Tripoli 180 km, phiến quân đã tấn công và sát hại 15 binh sỹ thuộc tiểu đoàn 168.

Trong một tuyên bố ngày 3/1, chính phủ được quốc tế công nhận của Thủ tướng Libya Abdullah al-Thani đã kêu gọi cộng đồng quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm nhập vũ khí đối với nước này để chống lại các phần tử khủng bố.

Từ nhiều tháng nay, Libya rơi vào tình trạng hai chính phủ cùng tồn tại và phải chứng kiến sự tranh giành quyền lực của các nhóm vũ trang đối địch. Lực lượng Hồi giáo đã chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi Quốc hội dân bầu và chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển về thị trấn miền Đông Tobruk, gần biên giới với Ai Cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục