Năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử châu Âu khi các kỷ lục về nhiệt độ đều bị phá vỡ sau đợt nắng nóng gay gắt trên khắp lục địa.
Trong báo cáo thường niên về tình trạng khí hậu, Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (C3S) cho biết 11 trong 12 năm nóng nhất ở châu Âu được ghi nhận là xảy ra từ năm 2000 trở lại đây do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng.
Khí hậu ấm lên và các đượt nóng mùa Hè đã gây ra tình trạng hạn hán trên diện rộng ở khắp khu vực phía Nam châu Âu, trong khi các khu vực ở Bắc Cực đã nóng hơn 1 độ C so với một năm thông thường.
Theo C3S, nhiệt độ ở khắp châu Âu đã tăng 2 độ C trong 5 năm qua, so với nửa sau của thế kỷ 19.
Một số khu vực ở châu Âu còn trải qua giai đoạn nắng nóng cao hơn 4 độ C so với mức nhiệt trung bình của năm ngoái.
Các kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ rơi vào các đợt nắng nóng xảy ra, nhất là vào tháng Sáu và Bảy ở Pháp, Đức và Anh.
[Điểm lại những kỷ lục bất thường diễn ra trong năm 2019]
Trong khi đó, năm 2019 là năm nóng thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau năm 2016, năm trải qua sự hoạt động mạnh mẽ của hiện tượng El Nino.
Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia cam kết hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để thực hiện được điều này, và cũng để đáp ứng tham vọng kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức 1,5 độ C, Liên hợp quốc cho rằng lượng khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải giảm 7,6% mỗi năm từ nay đến năm 2030.
Mặc dù mức độ ô nhiễm carbon được ghi nhận giảm đáng kể trong năm 2020 do dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn hiện hữu mối lo ngại rằng lượng khí thải này sẽ tăng trở lại ngay khi tìm ra vaccine phòng bệnh.
Ông Cameron Hepburn, chuyên gia thuộc Đại học Oxford, cho rằng việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu nếu các biện pháp hỗ trợ tài chính của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các lĩnh vực sử dụng loại nhiên liệu này không tạo điều kiện cho việc chuyển đổi sang công nghệ sạch.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Giám sát và mô hình địa cực thuộc Đại học Leeds Andrew Shepherd cho rằng dữ liệu của C3S còn làm lo ngại hơn vì nó dự báo về sự tan chảy nhanh chóng của dải băng Greenland. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết và các bờ biển trong tương lai./.