2023 - năm khởi sắc của thị trường chứng khoán Nhật Bản

Đà khởi sắc có được là nhờ sự hỗ trợ của sức mạnh kinh tế vĩ mô Nhật Bản, khi nền kinh tế thoát khỏi giảm phát và cải cách quản trị doanh nghiệp được thúc đẩy.

Màn hình điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei (dưới) tại Tokyo, Nhật Bản ngày 19/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Màn hình điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei (dưới) tại Tokyo, Nhật Bản ngày 19/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã có một năm 2023 khởi sắc dù cho đồng yen liên tục suy yếu và hoạt động sản xuất chưa hoàn toàn phục hồi.

Các chỉ số chứng khoán chính của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á đang duy trì ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và đầu tư nước ngoài tăng lên. Chỉ số Nikkei 225 chốt phiên 15/12 ở mức 32.970,55 điểm và chỉ số TOPIX đứng ở mức 2.332,28 điểm.

Đà khởi sắc có được là nhờ sự hỗ trợ của sức mạnh kinh tế vĩ mô trong nước, khi nền kinh tế thoát khỏi giảm phát và cải cách quản trị doanh nghiệp được thúc đẩy.

Cho dù vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định rằng đà tăng tích cực của thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ có thể duy trì lâu dài trong năm 2024, song triển vọng kinh tế Nhật Bản đang thuận lợi hơn so với trước đây.

Liên tiếp trong ba thập kỷ, nền kinh tế Nhật Bản luôn ở trong trạng thái trì trệ do tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và lãi suất âm.

Tuy nhiên, cường quốc châu Á này đã có bước chuyển mình trong năm 2023, nhờ chi tiêu hộ gia đình và doanh nghiệp tăng lên.

Ngay từ quý 1/2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã tăng 1,6%, đánh dấu mức tăng trưởng dương đầu tiên trong ba quý gần nhất.

Sự trỗi dậy của tăng trưởng kinh tế và lạm phát làm tăng kỳ vọng lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau “những thập kỷ mất mát,” dẫn đến những thay đổi đáng kể trong tâm lý nhà đầu tư.

Sự trỗi dậy của tăng trưởng kinh tế và lạm phát làm tăng kỳ vọng lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau “những thập kỷ mất mát,” dẫn đến những thay đổi đáng kể trong tâm lý nhà đầu tư.

Cuối tháng 11/2023, chỉ số chứng khoán TOPIX - thước đo giá trị chứng khoán trên sàn giao dịch Tokyo - đã vọt lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 và đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản tiếp tục tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế yếu tố góp phần làm thay đổi mạnh mẽ thị trường chứng khoán Nhật Bản trong những năm gần đây chính là động lực cải cách quản trị doanh nghiệp.

Đây là một phần quan trọng trong “mũi tên thứ ba” của chiến lược kinh tế Abenomics do cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đưa ra vào năm 2012.

Nỗ lực cải cách quản trị doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy hoạt động trên thị trường vốn đầu tư tư nhân (PE) của Nhật Bản. Giá trị giao dịch trên thị trường PE xấp xỉ 20 tỷ USD/năm và được thúc đẩy bởi các giao dịch lớn hơn.

Hoạt động giao dịch của các quỹ đầu tư tư nhân ở Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi trong sáu tháng đầu năm 2023 so với mức giảm khoảng 40% ở châu Mỹ và 65% ở châu Âu, mặc dù có xuất phát điểm nhỏ hơn.

Hơn nữa, xuyên suốt năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) đã tập trung vào việc nâng cao giá trị doanh nghiệp, hỗ trợ cổ phiếu của các công ty Nhật Bản tăng giá hơn nữa.

TSE cũng nỗ lực tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ lâu đã coi chứng khoán Nhật Bản là một "bẫy giá trị" (tức là một cổ phiếu hoặc khoản đầu tư được định giá rẻ vì có được các thông số định giá thấp).

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Nhật Bản còn được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm nay bởi kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Triển vọng tích cực trong năm 2024

Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo bước sang năm 2024, thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ tiếp tục xu hướng tích cực nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững chắc và cải cách mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.

Xu hướng này được củng cố còn nhờ dự báo sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Nhật Bản và các doanh nghiệp cải thiện các tiêu chuẩn quản trị để thu hút nhà đầu tư và làm tăng thu nhập của doanh nghiệp trong những năm tới.

Goldman Sachs đánh giá thu nhập doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ duy trì ở mức ổn định nhờ đồng nội tệ vẫn giữ giá trị thấp, ngành du lịch tăng tốc, vốn đầu tư doanh nghiệp mạnh và những thay đổi cơ cấu dài hạn tích cực khác sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, để duy trì thành công kinh tế trong dài hạn và giữ cho thị trường chứng khoán tăng tốc, Nhật Bản vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có cả các yếu tố bên ngoài như xu hướng chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu hay xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Những yếu tố này có thể tác động đến đà phục hồi kinh tế của Nhật Bản cũng như thị trường chứng khoán Tokyo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục