2.170 người di cư thiệt mạng khi vượt biển tới Tây Ban Nha năm 2020

Ngày càng có nhiều người di cư tới quần đảo Canary do họ phải tìm một tuyến đường khác để vào châu Âu, khi các nước tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát bờ biển Địa Trung Hải.
2.170 người di cư thiệt mạng khi vượt biển tới Tây Ban Nha năm 2020 ảnh 1Người di cư tại cảng Malaga của Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/Getty)

Ngày 29/12, tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi vấn đề di cư Caminando Fronteras cho biết, gần 2.200 người đã thiệt mạng trên đường vượt biển tới Tây Ban Nha trong năm 2020, trong đó phần lớn các vụ việc xảy ra trên cung đường biển dẫn tới quần đảo Canary.

Caminando Fronteras lưu ý, ngày càng có nhiều người di cư tới quần đảo Canary khi họ phải tìm một tuyến đường khác để vào châu Âu trong bối cảnh nhà chức trách các nước tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát bờ biển Địa Trung Hải, phía Nam Tây Ban Nha.

Theo số liệu của tổ chức này, tổng cộng 2.170 người di cư đã thiệt mạng khi vượt biển bằng thuyền tới Tây Ban Nha trong năm 2020, tăng đột biến so với mức 893 người năm 2019. Trong đó, 85% (1.851 người) thiệt mạng trong 45 vụ đắm tàu khi đang trên đường tới quần đảo Canary. Tuyến đường ngắn nhất để tới quần đảo Canary dài hơn 100 km2 tính từ bờ biển Maroc, vốn rất nguy hiểm vì tập trung các dòng chảy siết ở Đại Tây Dương.

[IOM: Hơn 3.100 người di cư thiệt mạng trong năm 2020]

Một thành viên của tổ chức Caminando Fronteras, bà Helena Maleno cho rằng việc số lượng người di cư thiệt mạng gia tăng trong năm nay do sự phối hợp công tác cứu hộ giữa các nước trong khu vực như Tây Ban Nha, Mauritania, Senegal và Maroc chưa thật sự hiệu quả.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, từ ngày 1/1 đến ngày 30/11 có tổng cố 19.566 người di cư tới quần đảo Canary, cao hơn hẳn so với năm 2019 chỉ có 1.993 người. Làn sóng di cư ồ ạt đã nhanh chóng đẩy những trung tâm tiếp nhận trên quần đảo này vào tình trạng quá tải. Tháng trước, hàng nghìn người di cư đã phải tạm trú trong các lều lán ở bến cảng trước khi được đưa tới các doanh trại quân đội và khách sạn trên quần đảo này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.