3G Only - Lối rẽ mới của Viettel tại Peru và Tanzania

Sau khai trương mạng "3G Only" tại Peru - quốc gia có thu nhập đầu người cao gấp 3 Việt Nam, Viettel dự kiến tiếp tục đầu tư tới 1 tỷ USD cho mạng 3G tại Tanzania.
Chỉ đầu tư vào mạng 3G (3G Only), chi phí vận hành của Bitel thấp hơn đối thủ nhưng lại đón đầu được xu hướng của tương lai. (Ảnh: Ngọc Lâm/Vietnam+)

Sau khai trương mạng "3G Only" tại Peru - quốc gia có thu nhập đầu người cao gấp 3 Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) dự kiến tiếp tục đầu tư tới 1 tỷ USD cho mạng 3G tại Tanzania.

Tanzania là nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Phi. Trong những năm gần đây, quốc gia này tăng trưởng rất nhanh cùng với sự phát triển của dịch vụ viễn thông di động.

Theo Cơ quan quản lý viễn thông Tanzania, hiện nay đất nước này có khoảng 29 triệu thuê bao di động, đạt tỷ lệ thâm nhập thị trường là 64%. Đây là thị trường thứ hai Viettel quyết định đầu tư vào mạng 3G only, (toàn bộ mạng lưới hạ tầng chỉ sử dụng 3G, không dùng 2G). Đây là mạng chỉ tập trung cho việc cung cấp dịch vụ Internet di động. Tại sao Viettel lại chọn hướng đi này?

Bitel - công ty con của Viettel tai Peru, đã chính thức khai trương ngày 15/10 vừa qua. Không giống với tất cả các thị trường mà nhà mạng quân đội thành công khó tin như Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, Timor Leste - Peru là quốc gia đầu tiên mà Viettel đầu tư có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam (GDP bình quân đầu người gấp 3 lần).

Bên cạnh đó, đây cũng là quốc gia đầu tiên mà Viettel tiến quân vào khi mật độ di động đang tiến tới ngưỡng bão hòa (mật độ di động đã đạt gần 100% dân số).

Cách đi nào giúp Viettel có thể cạnh tranh ở một thị trường có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, kèm theo mật độ di động đã ở ngưỡng bão hòa? Cơ hội nằm ở data.

“Peru đang tiến tới ngưỡng bão hòa về di động với 2G còn riêng với 3G, hay nói cách khác là Internet di động, các mạng viễn thông mới phủ sóng chủ yếu ở khu vực đô thị, còn nông thôn bỏ trống. Khi thế giới đang chuyển mạnh mmẽ từ thoại, SMS sang data, đây là cơ hội lớn của chúng tôi,” ông Hoàng Quốc Quyền, Tổng giám đốc Bitel nhận xét.

Ngay từ khi khai trương, Bitel là nhà mạng duy nhất tại Peru phủ sóng 3G toàn quốc và là mạng 3G thuần nhất (3G Only) duy nhất tại quốc gia này. Bên cạnh đó, đây cũng là thương hiệu duy nhất có hệ thống bán hàng riêng (cả SIM và thiết bị đầu cuối) phủ tới tận huyện, xã ở khu vực nông thôn.

Chưa hết, các dịch vụ gia tăng độc đáo của Bitel cũng nhiều hơn đối thủ ngay khi bắt đầu vì Bitel tin rằng data chỉ là hạ tầng của viễn thông. Điều quan trọng với các khách hàng là họ sẽ sử dụng gì trên Internet di động. Chính vì vậy, Bitel tập trung phát triển các ứng dụng và công nghệ thông tin để tạo nên một hệ sinh thái ứng dụng dành riêng cho khách hàng của mình.

Ví dụ như khách hàng có thể nghe nhạc online mà không bị tính phí hay chèn quảng cáo. Đây cũng chính là lợi thế bền vững của Bitel, thu hút khách hàng và tạo khác biệt với những nhà mạng khác.

Nếu chỉ nhìn vào trình độ phát triển kinh tế chung và mật độ điện thoại ở Pêru, người ta sẽ thấy Viettel vào đầu tư tại đây như “trứng chọi đá.” Thế nhưng, nếu nhìn vào giá, sự phổ cập 3G cũng như sự đa dạng và bùng nổ của các dịch vụ gia tăng tại Việt Nam, các chuyên gia sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Nếu nhìn vào lịch sử đầu tư quốc tế của Viettel tại Campuchia, Lào (2 năm kinh doanh vọt lên vị trí số 1 tuyệt đối về viễn thông, năm thứ ba chuyển lợi nhuận về nước), Haiti (khả năng xây dựng mạng lưới một cách thần kỳ), rồi Mozambique (với tốc độ tăng trưởng khó tin) và điều phi thường tại Đông Timor (chỉ kinh doanh 6 tháng đã có lợi nhuận)… thì niềm hy vọng cho Bitel tại Pêru được củng cố hơn rất nhiều.

“Chúng tôi không nhìn vào những khó khăn, chúng tôi nhìn vào cơ hội và những điều có thể. Viettel từng làm nhiều điều khó tin trước đây và sẽ tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn,” ông Hoàng Quốc Quyền, Tổng giám đốc Bitel tâm sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục