Australia yêu cầu Qantas chi trả 114.000 USD bồi thường các nhân viên bị sa thải

Theo phán quyết của Thẩm phán Tòa án Liên bang Michael Lee, khoản tiền 170.000 AUD là để bồi thường cho các thiệt hại phi kinh tế mà 3 nhân viên phải chịu khi bị Qantas sa thải để ngăn việc đình công.

Máy bay của hãng hàng không Qantas (Australia). (Ảnh: THX/TTXVN)
Máy bay của hãng hàng không Qantas (Australia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 21/10, Tòa án Liên bang Australia đã yêu cầu hãng hàng không Qantas của nước này phải trả tổng cộng 170.000 AUD (114.000 USD) cho 3 nhân viên mặt đất đã bị hãng sa thải bất hợp pháp vào năm 2020.

Phán quyết này được cho là sẽ mở màn cho một trận chiến pháp lý mới của Qantas trong bối cảnh hãng hàng không này chật vật phục hồi danh tiếng sau vụ bán vé các “chuyến bay ma.”

Theo phán quyết của Thẩm phán Tòa án Liên bang Michael Lee, khoản tiền trên là để bồi thường cho các thiệt hại phi kinh tế mà những nhân viên này phải chịu khi bị Qantas sa thải để ngăn việc đình công.

Thẩm phán Michael Lee bác bỏ lập luận của Qantas rằng việc sa thải là một biện pháp cắt giảm chi phí trong đại dịch COVID-19.

Theo ông, nếu hãng Qantas không thuê ngoài bất hợp pháp các hoạt động mặt đất của mình vào năm 2020, thì hãng đã làm đúng luật năm 2021 và có thể tiết kiệm khoảng 100 triệu AUD mỗi năm.

Theo giới phân tích, phán quyết này sẽ không kết thúc ở 170.000 AUD, vì thẩm phán yêu cầu mức tiền trên làm tiền lệ cho các vụ kiện bồi thường thiệt hại giữa Qantas và tất cả các nhân viên mặt đất, lên tới 1.700 người, mà hãng này đã cắt giảm đợt dịch COVID-19.

Thẩm phán Tòa án Liên bang đã yêu cầu Qantas và Liên đoàn Công nhân Vận tải thảo luận về việc bồi thường cho tất cả những người lao động bị sa thải và quay trở lại tòa án vào ngày 15/11.

Qantas bác bỏ phán quyết này và tuyên bố sẽ kháng án lên Tòa án Tối cao.

Đây là trận chiến pháp lý mới nhất đối với Qantas khi mà hãng này đang chật vật thương thảo trả 120 triệu AUD để giải quyết vụ kiện liên quan đến việc bán vé của các chuyến bay đã bị hủy và không thông báo kịp thời cho những hành khách đã mua vé trước đó trong thời gian đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, Qantas cũng bị cáo buộc gây sức ép với chính phủ liên bang để ngăn đối thủ Qatar Airways mở thêm các chuyến bay đến Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.