Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 cho các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 được trao cho 3 tác giả của công trình khoa học xuất sắc, mỗi giải trị giá 200 triệu đồng, gồm Công trình “Xấp xỉ và khôi phục tín hiệu có số chiều rất lớn trên lưới thưa”của giáo sư-tiến sỹ khoa học Đinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin-Đại học Quốc gia Hà Nội; Công trình “Nghiên cứu tính ổn định và tính ổn định vi phân của một lớp bài toán quy hoạch toàn phương không lời” của giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Đông Yên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Công trình “Bản chất đới trượt Tam Kỳ-Phước Sơn ở miền Trung Việt Nam: Ý nghĩa kiến tạo và sinh khoáng của nó” của tác giả Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ địa chất.
Một giải trị giá 50 triệu đồng cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi có công trình khoa học xuất sắc là phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với công trình “Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc.”
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam có trên 2.200 bài báo trên các tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ, đứng thứ 4 trong ASEAN trong việc công bố quốc tế về khoa học công nghệ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Bộ trưởng Nguyễn Quân mong muốn cộng đồng khoa học trong cả nước cùng chung tiếng nói với Bộ Khoa học và Công nghệ, để trên các diễn đàn của Quốc hội và các diễn đàn khác của Việt Nam, những người làm quản lý chia sẻ được khó khăn của người làm khoa học.
Thay đổi tư duy cũ, tạo ra những cơ chế mới thuận lợi và tiệm cận với thông lệ quốc tế, để các nhà khoa học Việt Nam có thể sáng tạo, đóng góp được nhiều nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đất nước.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng thường niên của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận với trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển./.