40 năm công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ - Xanh mướt màu ấm no

Ngày 26/3/1976, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh phát lệnh khởi công công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ, kể từ đó, những vùng cỏ khô cháy mùa hạn đã biến thành những đồng lúa xanh mướt trù phú ấm no.
40 năm công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ - Xanh mướt màu ấm no ảnh 1Nước Kẻ Gỗ theo kênh về tưới mát ruộng vườn. (Nguồn: hatinh.gov.vn)

Hồ Kẻ Gỗ thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được biết đến là một công trình thủy lợi nổi tiếng, một thắng cảnh của Hà Tĩnh.

Với người dân Nghệ Tĩnh lúc đó (Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay), hồ Kẻ Gỗ là minh chứng rõ nét cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương ngay sau khi đất nước vừa kết thúc chiến tranh.

"Mo cơm, quả cà và tấm lòng Cộng sản đi xây dựng hồ Kẻ Gỗ "

Với niềm tự hào, ông Đào Văn Tinh, nguyên trưởng Ty Nông nghiệp Nghệ Tĩnh (cũ), nguyên Giám đốc Công ty Thủy lợi (thuộc Ty Nông nghiệp Nghệ Tĩnh cũ), một trong những người tiếp cận, khai phá lòng hồ Kẻ Gỗ đầu tiên đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về “mối duyên nợ” của hồ Kẻ Gỗ với người dân Hà Tĩnh.

Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ ra đời là bước đột phá thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn ở những vùng được hưởng lợi nguồn nước, xua đi đói nghèo của hàng vạn người dân.

Mảnh đất Hà Tĩnh xưa kia vốn nổi tiếng nghèo khó, người dân ở đây luôn phải chống chọi với lũ lụt, hạn hán. Về mùa Hè, trời nắng gắt, sông hồ thường cạn tới đáy, mọi sản xuất nông nghiệp đều ngưng trệ; mùa mưa nước dâng to, không có chỗ tiêu thoát nước kéo theo bao trận lụt kinh hoàng.

Người dân Hà Tĩnh trước đây mỗi năm chỉ sản xuất nông nghiệp được một vụ nên cơm ăn không đủ no là chuyện thường.

Ông Tinh kể, sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, người Pháp cho rằng muốn cai trị dễ dàng thì phải làm cho dân Việt Nam no, mà dân muốn no thì phải làm thủy lợi. Vì vậy, ngay từ năm 1932, Pháp đã khảo sát ở Bái Thượng (Thanh Hóa), Đô Lương, Nam Đàn, Bến Thủy (Nghệ An) và Cẩm Trang, Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh).

Hồ Kẻ Gỗ có hồ sơ kỹ thuật từ năm 1934, đến năm 1936, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành làm thủy lợi ở Kẻ Gỗ, được khoảng 30 mét kênh mương thì dừng lại do hoàn cảnh chiến tranh.

Ngày 15/6/1957, khi Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Hà Tĩnh, Bác đã nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tĩnh, trong câu chuyện Bác có nhắc cán bộ tỉnh Hà Tĩnh phải lục hồ sơ về Kẻ Gỗ mà nghiên cứu trước, để khi có thời cơ sẽ xây dựng.

Sau câu nói của Bác, ông Trần Đăng Khoa, lúc đó là Bộ trưởng Bộ xây dựng, thủy lợi và kiến trúc đã giao Viện Thủy lợi tìm lại các hồ sơ liên quan đến Hồ Kẻ Gỗ và nghiên cứu kể từ năm 1958.

Ngày 23/12/1974, giữa lúc Bộ Chính trị đang bàn chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định về việc đồng ý xây dựng Đại thủy nông Kẻ Gỗ (ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Tháng 1/1976, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sáp nhập, trở thành tỉnh Nghệ Tĩnh.

Đúng vào ngày 26/3/1976, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh Trương Kiện đứng trên đài chỉ huy hô to: “Tôi, Trương Kiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh phát lệnh khởi công công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ.”

Theo ông Đào Văn Tinh - thời điểm đó là Giám đốc Công ty Thủy lợi (thuộc Ty Nông nghiệp Nghệ Tĩnh), đó là giây phút đã khắc sâu vào ký ức mà suốt cuộc đời ông không bao giờ quên.

Trên công trường hồ Kẻ Gỗ lúc đó là cả một biển người với hơn 6 vạn người gồm dân công, thanh niên xung phong, công nhân các công ty thủy lợi, đơn vị xây dựng, giao thông.

Người dân từ 28 huyện, thị trong tỉnh Nghệ Tĩnh như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu đến Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghĩa Đàn, Hương Khê đến miền xuôi Nghi Xuân, Nghi Lộc đều đổ về Kẻ Gỗ.

Mỗi người mang theo quang gánh trong đó có gạo, củi, đuốc, nước mắm, ruốc, muối để ăn uống trên đường đi. Cứ mười người mang theo một cây cờ, tạo nên một rừng cờ nối đuôi nhau đổ về Kẻ Gỗ với tinh thần “mo cơm, quả cà và tấm lòng Cộng sản đi xây hồ Kẻ Gỗ.”

Ở Trung ương cũng huy động các Công ty 3, Công ty 4, Cơ khí Hà Nam Ninh, các bộ phận lắp ghép điện... thành lập nên Ban A bao gồm các kỹ sư đầu ngành của thủy lợi cùng với Trung đoàn 375 của Quân khu IV.

Trên đại công trường Kẻ Gỗ có nhiều tiểu công trường với nhiều lực lượng, trong tay là cuốc, xẻng, quang gánh, đèn măngsông... khẩn trương làm việc.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã có mặt tại thời điểm lịch sử và đã sáng tác ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” với những ca từ xúc động: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh... Tay anh phá đá, tay em đào sỏi, ngồi trong xe ủi anh nhớ những ngày Hè, chân lội qua khe em nhớ mùa Đông giá.”

Bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, động viên những đôi bàn tay hăng say lao động không kể ngày đêm. Những ca từ của bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” liên tục được phát trên loa phát thanh và hầu hết người lao động trên đại công trường ngày ấy đều thuộc và hát vang.

"Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm"

Với chiến dịch thần tốc và “sức mạnh Nghệ Tĩnh,” công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ đã được hoàn thành vào năm 1978, sớm hơn so với dự kiến 3 năm.

Năm 1978, hồ Kẻ Gỗ có lưu vực 223km2 được đưa vào sử dụng với sức chứa hơn 345 triệu m3 nước.

Từ cửa cống chính của hồ Kẻ Gỗ, vụ Hè thu năm 1978, dòng nước mát lành đã theo các kênh về tưới cho cánh đồng khô hạn của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh.

Công trình có một đập chính và 3 đập phụ với 17,2km kênh chính; 98,7km kênh cấp 1; hàng ngàn km kênh cấp 2, cấp 3 và 3.168 công trình trên kênh.

Vùng đất Thạch Hà, Cẩm Xuyên ngày xưa đồng khô cỏ cháy mỗi mùa nắng hạn thì nay xanh mướt những đồng lúa.

Hồ Kẻ Gỗ còn giải quyết vấn đề tiêu úng cho địa bàn các huyện này mỗi mùa mưa về, nước từ trên thượng ngàn đổ về sẽ được Kẻ Gỗ "ôm trọn" trong lòng hồ để không bị chảy về hạ lưu gây lụt lội.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đơn vị đang trực tiếp quản lý nguồn nước hồ Kẻ Gỗ chia sẻ điều đáng tự hào là thành quả của công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ sau 40 năm quản lý, khai thác đã phát huy hiệu quả kinh tế một cách rõ nét.

Chỉ tính trong vòng 20 năm gần đây, diện tích tưới không chỉ được bảo đảm mà ngày càng được mở rộng; nhờ vậy năng suất cây trồng tăng lên vượt bậc, từ chỗ chỉ có 0,8-1 tấn lúa/ha/vụ đến nay năng suất đã tăng gấp 5 lần.

Từ chỗ chỉ phục vụ tưới cho cây lúa đơn thuần, nay công trình đã từng bước đáp ứng tưới cho cây trồng cạn và phục vụ nuôi trồng thủy sản./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.