Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 lớn nhất Việt Nam

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, tổng mức đầu tư gần 1,25 tỷ USD với gói thầu có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 55%, là nhà máy nhiệt điện lớn nhất từ trước tới nay được xây dựng ở Việt Nam.
Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 lớn nhất Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Sáng 17/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 1,25 tỷ USD, là nhà máy nhiệt điện lớn nhất từ trước tới nay được xây dựng ở Việt Nam.

Công trình thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam LILAMA làm tổng thầu EPC.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW (2x600MW), được khởi công xây dựng từ tháng 7/2009. Nhà máy gồm 2 tổ máy lò hơi-tuabin-máy phát. Lò hơi sử dụng công nghệ than phun PC.

Nhiên liệu chính là than cám 5a được cung cấp từ Hòn Gai, Uông Bí (Quảng Ninh) với lượng than tiêu thụ hàng năm trên 3,2 triệu tấn; nhiên liệu phụ là dầu FO.

Đây cũng là một trong số ít các dự án nhiệt điện than đạt mức nội địa hóa có tỷ lệ đáng khích lệ (khoảng 30%) đối với thiết kế, chế tạo, vật tư thiết bị trong nước; trong đó, gói thầu có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất được.

Ngày 7/8/2014, tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã phát điện đạt công suất 631 MW, vượt công suất thiết kế 5%. Tiếp đó, ngày 1/4/2015, tổ máy số 2 đã phát điện ở công suất cực đại 634 MW; hai tổ máy đến nay đã cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia trên 3 tỷ kWh.

Ngày 27/5/2015, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chính thức được Tổng thầu EPC Lilama bàn giao cho chủ đầu tư-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vận hành thương mại.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia dự kiến mỗi năm cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh, doanh thu hàng năm của nhà máy dự kiến từ 7.000-8.000 tỷ đồng, sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng của hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 và đảm bảo an ninh năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, 2 tổ máy Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 phát điện đạt công suất thiết kế là sự kiện mang tính bước ngoặt, bởi đây là nhà máy nhiệt điện chạy bằng than có công suất lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Loại than nhiên liệu của nhà máy thuộc nhóm than khó sử dụng, cung cấp ngay trong nước và đây cũng là lần đầu tiên, tổng thầu của dự án quy mô lớn này là một doanh nghiệp của Việt Nam; được thi công, lắp đặt, vận hành bởi đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động Việt Nam.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, kỹ sư Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam-Lilama, PVN cùng các nhà thầu đã nỗ lực ngày đêm làm việc trên công trường.

Thủ tướng cho rằng thành công này là minh chứng cho khả năng quản lý, trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Lilama nói riêng và các nhà thầu trong nước nói chung trong việc đảm nhận vai trò EPC (lắp đặt, chạy thử và vận hành) các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn.

Việc Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chạy hết công suất, hoạt động an toàn, đạt các chỉ số đề ra với tổng mức vốn đầu tư thấp hơn các dự án cùng loại khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng Nhà nước ta khuyến khích đầu tư nước ngoài nhưng phát huy mạnh mẽ nội lực trên con đường đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng đề nghị cán bộ, kỹ sư, người lao động Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty lắp máy Việt Nam không chủ quan, tự mãn với kết quả đạt được, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt những công trình tiếp theo với yêu cầu về chất lượng, trình độ cao hơn, đảm bảo tốt hơn các yếu tố về môi trường, nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa đi đôi với đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình.

Nhân dịp này, chúc mừng những thành tựu vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh không chủ quan, tự mãn, coi đây mới chỉ là những kết quả bước đầu; phát huy tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa tiềm lực, lợi thế của Khu Kinh tế Vũng Áng với khả năng thu hút đầu tư mạnh mẽ đối với các dự án chính và cả các dự án phụ trợ.

Tận dụng đà phát triển, đưa Vũng Áng trở thành Khu Kinh tế cơ sở cho khu vực Bắc Trung Bộ, góp phần cùng với cả nước đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Tĩnh quản lý tốt lao động, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự bởi sự gia tăng tỷ lệ thuận của những vấn đề này theo tỷ suất đầu tư ngày càng lớn tại Khu Kinh tế Vũng Áng.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã dự lễ khánh thành Tổ máy đốt than số 1, Nhà máy điện của Tập đoàn Formosa tại Khu Kinh tế Vũng Áng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng cán bộ, kỹ sư và người lao động Tập đoàn Formosa; cho rằng, sự kiện này thêm một lần nữa đánh dấu thành công của Tập đoàn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Formosa tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, vượt qua khó khăn chung để triển khai lắp đặt thành công, đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, chấp hành tốt pháp luật của Việt Nam đối với các dự án của Tập đoàn tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Bắc miền Trung.

Nhân dịp thăm Khu Kinh tế Vũng Áng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đã thị sát tiến độ thi công Cảng Sơn Dương-Cụm cảng nước sâu với 11 cầu cảng, diện tích hơn 1.018ha, trong đó phần đất liền hơn 93ha, phần mặt nước gần 925ha, là lợi thế tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho Khu Kinh tế Vũng Áng, góp phần quan trọng vào các hoạt động thông thương của Hà Tĩnh và khu vực Bắc miền Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.