5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất nếu Brexit không thỏa thuận

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra lệnh cho các bộ trưởng và quan chức trong chính phủ sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận, khiến các thị trường tiền tệ và giới doanh nghiệp cảm thấy bất an.
Kiểm tiền bảng Anh tại quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra lệnh cho các bộ trưởng và quan chức trong chính phủ sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận, khiến các thị trường tiền tệ và giới doanh nghiệp cảm thấy bất an.

Ông Johnson cam kết sẽ thúc đẩy nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không.

Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid dự kiến sẽ công bố kế hoạch tiếp theo để chuẩn bị cho khả năng không thỏa thuận trị giá 1 tỷ bảng trong trong số 4,2 tỷ bảng mà Chính phủ Anh dành cho Brexit tới nay.

[Tổng thống Donald Trump mong chờ gặp tân Thủ tướng Anh Boris Johnson]

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định sẽ không xây dựng thêm bất kỳ kế hoạch nào để đối phó với tác động của Brexit không thỏa thuận trước ngày 31/10.

Nếu Vương quốc Anh dứt áo ra đi trong 3 tháng tới, EU cho rằng một sự ra đi hỗn loạn sẽ đưa các nhà đàm phán Anh trở lại Brussels vào ngày 1/11 để cố gắng có được sự liên tục nào đó cho các doanh nghiệp.

Tờ Financial Times số ra mới đây điểm mặt 5 lĩnh vực có thể cảm nhận những tác động nặng nề nhất của Brexit không thỏa thuận:

1. Các luồng dữ liệu

Các doanh nghiệp và cơ quan khu vực công xuyên eo biển Anh hàng ngày chuyển giao một khối lượng dữ liệu kỹ thuật số cá nhân khổng lồ của các công dân EU và Anh.

Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, tính hợp pháp của các luồng dữ liệu này sẽ bị đặt câu hỏi, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe hoặc bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến khách hàng EU.

Việc gián đoạn các luồng dữ liệu sẽ là một rào cản đáng kể đối với thương mại và trong trường hợp xấu nhất có thể buộc các công ty Anh phải dừng hoạt động ở châu Âu.

2. Các dịch vụ tài chính

Sau khi Brexit không thỏa thuận diễn ra, lĩnh vực dịch vụ tài chính đầy lợi nhuận của Vương quốc Anh có thể sẽ mất các quyền “thông hành,” quyền cho phép các công ty có trụ sở tại Anh được hoạt động ở thị trường chung của EU.

Trong khi các công ty phải gánh chịu phần lớn việc chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận, Brussels đã thực hiện các bước dự phòng quan trọng.

Các biện pháp này gồm quyền sử dụng tạm thời các ngân hàng thanh toán bù trừ hoạt động tại Vương quốc Anh cho đến tháng 3/2020, 18 tháng cho các khoản lưu ký chứng khoán chủ chốt để giải quyết các giao dịch và sáu tháng để thực hiện các thay đổi hợp đồng đối với các công cụ phái sinh ngoài quầy.

Các tập đoàn dịch vụ tài chính cũng phải đối mặt với những vấn đề gai góc hơn về hậu cần vào đúng ngày Brexit.

Ngày 31/10 rơi vào thứ Năm, điều đó có nghĩa là các công ty của Anh sẽ phải đối mặt với bài toán hậu cần đầy khó khăn của việc chuyển đổi các hệ thống mà họ sử dụng sang báo cáo các giao dịch vào giữa tuần, mặc dù nhiều nước EU được nghỉ lễ vào ngày 1/11.

Về lâu dài, sau Brexit có hoặc không có thỏa thuận ly hôn, trung tâm tài chính London sẽ phải cố gắng giành quyền tiếp cận thị trường theo một chế độ của EU.

3. Hải quan

Anh sẽ ra khỏi liên minh hải quan của EU khi Brexit không thỏa thuận diễn ra, có nghĩa là các công ty Anh sẽ phải điền các tờ khai hải quan, thay đổi nhãn trên các sản phẩm thực phẩm và kiểm tra dịch tễ hàng xuất khẩu có chứa sản phẩm động vật.

Một chiến dịch truyền thông của Anh đã được triển khai để thông báo cho các công ty về những gì họ cần làm để chuẩn bị.

Nhưng các doanh nghiệp Anh đã chỉ trích chính phủ về việc thiếu thông tin liên quan cách thức chuẩn bị cho sự ra đi đột ngột, ví dụ như vấn đề xử lý những thay đổi về thuế quan hay việc kiểm tra hải quan hoạt động như thế nào ở biên giới Ireland.

Hiện tại đây là một biên giới “vô hình” giữa miền Bắc và miền Nam, nhưng Brexit không thỏa thuận có thể dẫn đến khả năng các cơ sở kiểm soát biên giới quay trở lại hòn đảo Ireland.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Sam Lowe tại Trung tâm Cải cách châu Âu cho biết, các công ty đã không chuẩn bị vì họ không tin rằng một sự ra đi đột ngột có thể xảy ra.

Ông nói thêm đến nay, chiến lược đầy đủ đòi hỏi các công ty phải đăng ký nhiều thứ nhưng họ chưa làm đủ điều đó.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đã không đăng ký lấy “số nhà xuất khẩu”, thủ tục cho phép các công ty tiếp tục nhập khẩu và xuất khẩu sau Brexit.

Đầu năm nay, Chính phủ Anh đã gửi thư cho 145.000 công ty có giao dịch làm ăn với EU để họ đăng ký vào một hệ thống cho phép đơn giản hóa việc khai báo hải quan và thanh toán chậm thuế nhập khẩu.

Theo Robert Hardy, một chuyên gia hải quan của công ty hậu cần Oakland Invicta, chỉ có khoảng 10.000 công ty đăng ký.

4. Giao thông, vận tải

Mặc dù lĩnh vực vận tải luôn hy vọng có một thỏa thuận, nhưng các công ty hoạt động xuyên biên giới như các hãng hàng không và Getlink - nhà khai thác đường hầm euro - đã chuẩn bị cho một kịch bản không thỏa thuận để giảm thiểu sự gián đoạn.

Các hãng hàng không có thể sẽ tiếp tục hoạt động nhưng không bình thường như trước. EC đã thông qua hai bộ luật cho phép các hãng hàng không bay từ điểm này đến điểm khác giữa các thành phố của Anh và châu Âu.

Các quyền bay cơ bản này, cũng sẽ được Vương quốc Anh chấp thuận, kéo dài đến tháng 3/ 2020.

Nhưng các nhà khai thác bay sẽ không thể bay đến các điểm đến khác của EU hoặc đưa hành khách mới đến một địa điểm không thuộc Vương quốc Anh.

Các giải pháp tạm thời trong 6 tháng cung cấp một khoảng thời gian ngắn để EU và Vương quốc Anh đàm phán một thỏa thuận hàng không trong tương lai, nhưng thỏa thuận mới như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.

Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các hãng hàng không như Ryanair, EasyJet và IAG - công ty mẹ của British Airline - cũng cần phải đáp ứng các quy định về sở hữu và kiểm soát hãng hàng không của EU.

Đường hầm euro của Getlink, nơi chứng kiến 20 triệu lượt hành khách, 2,6 triệu xe hơi và 1,6 triệu xe tải qua lại mỗi năm giữa Vương quốc Anh và châu Âu lục địa - cũng sẽ tiếp tục hoạt động. Getlink đã chi 15 triệu euro trước thời hạn Brexit đầu tiên vào ngày 29/3 để lắp đặt các trang thiết bị hạ tầng mới.

5. Ngư nghiệp

Sau Brexit không thỏa thuận, Vương quốc Anh cũng không thuộc chính sách ngư nghiệp chung của EU, nghĩa là các tàu của EU sẽ không còn quyền đi vào ngư trường của Anh.

Vì các tàu của các nước thành viên EU khác đánh bắt ở vùng biển của Anh nhiều hơn rất nhiều so với ngư dân Anh đánh bắt ở vùng biển của các nước EU khác, nên nghề cá là một trong số ít lĩnh vực mà EU chịu nhiều thiệt hại hơn nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra. EU ước tính hoạt động đánh bắt của các tàu châu Âu tại vùng biển của Anh trị giá 585 triệu euro.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra gián đoạn tại biên giới, có rất ít khu vực của nền kinh tế Anh bị tổn thương hơn lĩnh vực xuất khẩu thủy sản vì lĩnh vực này phụ thuộc vào việc phải giao hàng nhanh chóng để đảm bảo sản phẩm vẫn tươi khi đến thị trường châu Âu.

Nhiều ngư dân Anh hy vọng sẽ được hưởng lợi từ việc các tàu của EU phải đối mặt với những hạn chế mới tại vùng biển của Anh.

Tuy nhiên, đội tàu đánh bắt cá của Anh sẽ không có khả năng tận dụng ngay lập tức và bất kỳ sự thay đổi nào như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến những tranh luận gay gắt trong các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại trong tương lai.

Theo kế hoạch dự phòng tối thiểu, EC đã thông qua luật khẩn cấp cho phép ngư dân EU được bồi thường “trong trường hợp các vùng biển của Anh đóng cửa bất ngờ đối với các tàu cá của EU.”

Brussels sẽ cho phép ngư dân Anh tiếp cận vùng biển của EU cho đến cuối năm 2019 nếu phía Anh cũng đáp lại như thế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục