Cũng như nhiều loài động vật hoang dã khác tại Việt Nam, linh trưởng đang có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắn bất hợp pháp, buôn bán trái phép, sinh cảnh sống bị thu hẹp. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đối mặt với những thách thức bảo tồn linh trưởng.
Đó là một trong những nội dung chính của Hội nghị linh trưởng quốc tế do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Hội linh trưởng quốc tế tổ chức sáng nay (12/8), tại Hà Nội.
Với điều kiện về địa lý và khí hậu thuận lợi, Việt Nam là nơi cư trú bản địa của 26 loài và phân loài linh trưởng trong tổng số 612 loài và phân loài được Tổ chức Bảo tồn thiên quốc tế (IUCN) công nhận. Trong số đó, có 5 loài và phân loài đặc hữu của Việt Nam gồm: voọc mũi hếch, voọc mông trắng, voọc Cát Bà, Chà Vá chân xám và khỉ đuôi dài Côn Đảo.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết công tác bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân cụ thể là các khu bảo tồn không có rừng ở vùng đệm, các khu bảo tồn có diện tích nhỏ và bị cô lâp; thiếu vốn đầu tư, thiếu sự đồng thuận giữa lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương; năng lực quản lý kém, thực thi luật không hiệu quả và thiếu lực lượng kiểm lâm chuyên trách...
Đặc biệt, hiện nay, độ che phủ rừng ở Việt Nam đã giảm đáng kể và hiện chỉ còn khoảng 41% năm và diện tích dành cho sinh cảnh của các loài linh trưởng cũng rất hạn chế.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, trong hơn 50 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và thiết lập một hệ thống rừng đặc dụng với diện tích trên 2,2 triệu ha với hệ thống gồm: 30 Vườn quốc gia, 114 khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Chính phủ Việt Nam ngày càng tăng đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có các loài linh trưởng,
Những nỗ lực bảo tồn chuyển vị các loài linh trưởng ở Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận thông qua việc thành lập Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Cúc Phương vào năm 1993. Trung tâm này đã cứu hộ hơn 260 cá thể, cho sinh sản thành công 240 cá thể của 12 loài, thả trên 50 cá thể về sinh cảnh tự nhiên. Hiện tại, Trung tâm đang cứu hộ, chăm sóc trên 150 cá thể.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Linh trưởng quốc tế (IPS) TS. Tetsuro Matsuzawa cũng cho rằng, để bảo tồn các loài linh trưởng cần sự cam kết, tham gia và hợp tác của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như người dân ở nhiều châu lục./.
Hội nghị linh trưởng quốc tế được tổ chức 2 năm 1 lần và hội nghị lần thứ 25 này sẽ kéo dài trong 5 ngày từ ngày 12-16/8, diễn ra tại Hà Nội, với các phiên họp có chủ đề: Tiến hóa, Di truyền học, sinh thái và tập tính, sinh trưởng và phát triển, nuôi sinh sản các loài linh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt, linh trưởng học và bảo tồn linh trưởng.Hội nghị linh trưởng quốc tế lần thứ 25 với sự tham gia của 900 đại biểu đến từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bảo tồn và nhà quản lý chia sẻ những kiến thức kinh nghiệm và nghiên cứu và bảo tồn đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam và trên toàn thế giới.