Ngày 7/7, giới chức Tây Ban Nha cho biết 6 người đã bị thương trong lễ hội đua bò San Fermin truyền thống hằng năm ở nước này.
Theo đó, một người đàn ông 37 tuổi đã bị bò tót húc nhưng may mắn chỉ bị chấn thương nhẹ. Những người còn lại bị xây xát và bầm tím trong quá trình chạy đua với bò tót.
Vụ việc xảy ra trong ngày thứ hai của lễ hội kéo dài 9 ngày, khai mạc ngày 6/7 vừa qua. Tại Lễ hội San Fermin năm nay, ngày lễ thánh San Fermin rơi vào Chủ nhật, do đó số lượng người tham dự đông đảo hơn so với các ngày lễ thánh rơi vào ngày trong tuần. Lễ hội có từ thời Trung cổ này chào đón tất cả những người tham gia trên 18 tuổi.
Lễ hội San Fermin ra đời năm 1591 để ngợi ca thần bảo hộ thành phố Pamplona, với các hoạt động như hòa nhạc, bắn pháo hoa, nhảy dân gian, thi uống rượu vang và các đám rước theo nghi lễ tôn giáo.
Lễ hội này trở nên nổi tiếng toàn thế giới sau khi nhà văn Mỹ Ernest Heringway cho ra đời cuốn tiểu thuyết "Mặt trời vẫn mọc" (The Sun Also Rises) vào năm 1926.
Giới chức Pamplona ước tính mỗi năm có tới 500.000 người kéo đến thành phố 200.000 dân này để tham gia Lễ hội San Fermin.
Chạy đua cùng bò tót là một phần trong khuôn khổ Lễ hội San Fermin và là một trong những cuộc đua nguy hiểm nhất thế giới.
Trong các cuộc đua căng thẳng kéo dài 3 phút này, mỗi ngày vào lúc 8h sáng, hàng trăm người - mặc quần áo trắng, đeo khăn và băng đô đỏ - thử thách lòng dũng cảm của mình bằng cách chạy đua với 6 con bò tót đực - nặng nửa tấn và mang những cặp sừng nhọn hoắt - trên đoạn đường dài 850m xuyên qua những con phố chật hẹp, kết thúc tại trường đấu bò tót Pamplona.
Trong ngày đầu tiên của lễ hội năm nay, số người tham gia lên tới con số hàng nghìn.
Thử thách lớn nhất họ phải vượt qua là chạy càng lâu càng tốt trước khi rẽ ngang hoặc trèo qua hàng rào chắn bằng gỗ ngăn cách đường đua với những người xem hiếu kỳ.
Theo các số liệu thống kê, mỗi năm có hàng chục người bị các chấn thương nhẹ khi tham gia lễ hội này, chủ yếu là do bị ngã hoặc bị bò tót giẫm đạp lên người.
Cho đến nay, 16 trường hợp tử vong cũng đã được ghi nhận kể từ năm 1911, lần gần đây nhất là vào năm 2009./.