Ngày 13/3, một nhóm các nhà khoa học Mỹ công bố nghiên cứu cho thấy con người là tác nhân chính gây ra tình trạng băng tan tại Bắc Cực, theo đó 60% lượng băng bị mất là do tác động của con người.
Trong khi đó, những thay đổi của tự nhiên là nguyên nhân dẫn tới 40% lượng băng bị mất của Bắc Cực.
Nghiên cứu dựa trên những mô phỏng hiện đại về các điều kiện khí hậu khác nhau này là một nỗ lực hiếm hoi nhằm xác định tỷ lệ trách nhiệm của con người và tự nhiên đối với sự sụt giảm nghiêm trọng khối lượng băng trong thời gian qua, đồng thời sẽ có tác động quan trọng đối với các nghiên cứu về băng tại Bắc Cực trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu các nguyên nhân gây tan băng đại dương là rất quan trọng đối với đưa ra dự báo về khối lượng băng sẽ tiếp tục mất đi, đồng thời tìm cách làm chậm lại quá trình này trong tương lai.
Nghiên cứu mới này cho thấy 60% khối lượng băng đại dương bị mất đi kể từ năm 1979 là do những thay đổi của hiện tượng tuần hoàn khí quyển vào mùa Hè. Trong khi đó, 70% sự thay đổi của dòng khí quyển là hệ quả của sự thay đổi tự nhiên, chứ không phải do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.
Kết hợp những nội dung nghiên cứu này, cho thấy một nửa hoặc 2/3 khối lượng băng đại dương đã mất là do biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, những thay đổi của tự nhiên "là tác nhân chính gây ra xu hướng tuần hoàn khí quyển mùa Hè Bắc Cực và nguyên nhân gây biến mất 30-50% tổng lượng băng đại dương tính từ năm 1979 đến tháng Chín vừa qua.
Nhà nghiên cứu Twila Moon thuộc Đại học tổng hợp Bristol nhận định việc tiếp tục thải carbon dioxide và các loại khí thải khác vào bầu khí quyển đã có tác động tiêu cực trực tiếp tới Bắc cực, trong đó có lượng băng bao phủ tại đây.
Tháng trước, các nhà khoa học làm việc cho Chính phủ Mỹ cho biết diện tích băng bao phủ Bắc Cực trong tháng 1 là 1,26 triệu km2 (487.000 dặm vuông), giảm 8,6% so mức trung bình của giai đoạn 1981-2010.
Diện tích băng này là nhỏ nhất so với ghi nhận vào thời điểm năm 1979 và giảm 100.000 dặm vuông so với năm 2016.
Băng đại dương là những tảng băng nổi trên mặt biển, lớn lên vào mùa Đông và tan chảy vào mùa Hè, có tác dụng giúp điều tiết khí hậu thông qua việc phản chiếu ánh sáng Mặt trời. Tuy nhiên, nhiệt độ tại khu vực này đang nóng lên với tốc độ nhanh gấp hai lần tốc độ của toàn cầu./.