Nhìn lại 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đã đạt những thành tựu to lớn góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước.
60 năm không phải là một chặng đường dài trong quá trình phát triển của lịch sử, nhưng cũng đủ để người dân Thủ đô và cả nước hôm nay tự hào về những chuyển biến lớn lao và vững tin vào một tương lai một Thủ đô hiện đại, giàu đẹp và văn minh hơn.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Hà Nội những ngày này như đang được khoác trên mình chiếc áo mới không chỉ với cờ, hoa của dịp lễ kỷ niệm 60 năm chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô, mà còn đang khoác trên mình cả diện mạo mới với thế và lực mới của một Thủ đô hiện đại và năng động sau 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển.
Hà Nội đã thay đổi không ngừng, mà đổi thay dễ cảm nhận được chính là bộ mặt đô thị. Có lẽ không khó để nhận ra rằng, Hà Nội ngày nay đang ngày càng hiện đại hơn với những cơ sở hạ tầng mới được hoàn thành. Nhiều khu vực trước kia là nông thôn hẻo lánh, giờ trở thành khu đô thị hiện đại, trong đó có nhiều khu đô thị tầm cỡ khu vực, thế giới.
Những công trình giao thông như Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 trên cao, hay những cây cầu bắc qua sông Hồng như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì… cũng phần nào khẳng định thêm điều đó.
Cùng với đó, những công trình như tuyến đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh, cầu Nhật Tân, tuyến đường nối cầu Nhật Tân-Nội Bài, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Đông Trù… đang dần được hoàn thiện chắc chắn sẽ làm diện mạo của Thủ đô thay đổi và mang giá trị biểu tượng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Chia sẻ về điều này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, gương mặt Thủ đô đã đẹp lên rất nhiều, hoành tráng hơn, rạng rỡ, quy mô, bề thế và nền nếp hơn. Những công trình vừa được khai trương và sắp được khai trương sẽ là những hình ảnh sinh động, thể hiện một thủ đô văn minh, hiện đại.
Hà Nội ngày nay không chỉ đẹp hơn, hiện đại hơn, mà đang cho thấy là một đô thị ngày càng năng động trong kinh doanh. Từ nửa cuối năm 2006, đặc biệt từ đầu năm 2007, Hà Nội thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn, công ty lớn từ nhiều nước, cũng như khơi dậy tiềm năng đầu tư từ dân doanh trong nước.
Những Lottle, Metro, BigC cùng với những tòa nhà chọc trời đã có mặt tại Thủ đô, và rồi sắp tới đây, Aeon, Wal-Mart, Central Group… cũng đang rục rịch đầu tư trong thời gian không xa đang cho thấy Hà Nội ngày càng hiện đại và năng động hơn.
Là một người sinh ra và lớn lên lên tại Hà Nội, nhưng định cư tại Đức hơn 20 năm, trở về Hà Nội, ông Bùi Đức Ái không giấu được sự ngạc nhiên bởi sự phát triển của Thủ đô.
Ông Ái chia sẻ, Hà Nội đã thực sự thay da đổi thịt, Hà Nội giờ không chỉ là một thành phố cổ kính mà đang ngày càng hiện đại hơn với những tòa nhà chọc trời, những cao ốc, siêu thị hiện đại ngỡ như chỉ ở các nước phát triển mới có. Cơ sở hạ tầng của Hà Nội cũng ngày càng tốt lên khi ngày càng nhiều công trình đang được xây dựng và hoàn thành.
Cùng quan điểm trên, doanh nhân Nguyễn Văn Hà, Việt kiều Cộng hòa Séc chia sẻ: “Hà Nội ngày nay đang thực sự trỗi dậy, tôi thấy ngày càng nhiều các trung tâm thương mại, ngân hàng lớn của các tập đoàn toàn cầu đã có mặt tại Hà Nội. Đi vào từng con phố, tôi thực sự ấn tượng bởi cảnh nhộn nhịp buôn bán của người dân, cho thấy một Hà Nội thực sự năng động. Hà Nội đang thực sự chuyển mình về chất và đang trở thành một nơi đáng để đầu tư kinh doanh.”
Ông Hà cũng khẳng định: "Tôi nhất định sẽ đầu tư kinh doanh tại Hà Nội, tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này vì đây đang là dịp tốt đối với tôi và với bất cứ doanh nhân nào. Tôi cũng sẽ nói để bạn bè của tôi, các doanh nghiệp tại Séc về Hà Nội thăm quan và tìm cơ hội đầu tư kinh doanh."
Nhìn lại 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và rất đáng tự hào, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Các nguồn lực của thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả.
Quá trình tái cấu trúc kinh tế đang được thúc đẩy, sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại hoá ứng nhu cầu phát triển của thủ đô. Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, cơ chế quản lý có tiến bộ.
Nhiều cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được ban hành, thực hiện đồng bộ trong các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Tất cả những yếu tố tổng hợp này đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh chung của kinh tế thủ đô, từng bước đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế và khu vực và quốc tế.
Vươn lên thế Rồng thiêng
Bên cạnh đổi thay về diện mạo, quy mô, Hà Nội cũng đối mặt với những vấn đề phức tạp, nóng bỏng, bức xúc đang nảy sinh trong quá trình phát triển. Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế Hà Nội phát triển vẫn chưa toàn diện; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp.
Các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt. Kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám làm nên giá trị gia tăng cao của ngành kinh tế chủ lực chưa thể hiện rõ nét. Sức lan tỏa của một “trung tâm kinh tế lớn,” một động lực kinh tế trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước còn hạn chế.
Cùng với quá trình đô thị hóa, Thủ đô Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần sớm giải quyết. Đó là sự phát triển quá tải về dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, ô nhiễm môi trường, hệ thống giao thông ùn tắc, thoát nước… Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn nhiều hạn chế.
Theo kiến trúc sư Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, bức tranh quy hoạch, quản lý đô thị của Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều hỉnh ảnh chưa tốt: nhiều khu vực, tuyến phố còn nhếch nhác, đặc biệt, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo…; công tác kiến trúc đô thị, cảnh quan, công trình… còn nhiều hạn chế khi chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội.
Để khắc phục tình trạng trên, Hà Nội cần hoàn thiện đồng bộ quy hoạch các cấp; xây dựng hoàn chỉnh các quy chuẩn, quy định, quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc các khu vực quan trọng, tuyến đường chính, làm công cụ cho công tác quản lý, kiểm soát phát triển.
Bên cạnh đó, với nhu cầu phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, bài toán vốn cũng đang được đặt ra đối với Hà Nội trong việc thực hiện quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2006-2020, tầm nhìn 2030.
Để giải quyết vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, về nguyên tắc, nguồn vốn thực hiện quy hoạch cần được đa dạng hóa và huy động tổng hợp từ tất cả các nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa các cơ chế thị trường với hỗ trợ trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với đặc điểm tính chất mỗi dự án cần đầu tư.
Các nguồn vốn được kỳ vọng nhiều nhất là vốn ngân sách; phát hành trái phiếu Thủ đô, trái phiếu chính phủ; vốn vay thương mại từ các ngân hàng và từ Quỹ hỗ trợ phát triển Thành phố Hà Nội; vốn vay ODA, vốn FDI; cũng như huy động vốn thông qua các hình thức BO, BOT, PPP…
Ngoài ra, theo ông Phong, Hà Nội cần tăng cường cụ thể hóa và công khai minh bạch hóa thông tin quy hoạch và quản lý quy hoạch, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư mang tính chuyên nghiệp cao để thu hút đầu tư.
Tiếp bước những thành quả đã đạt được trong 60 năm qua, với vị thế là trái tim cả nước, đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu đảm bảo ổn định vững chắc về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp văn minh, hiện đại.
Hà Nội phấn đấu về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
60 năm đã đi qua, ghi dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển của Thủ đô Hà Nội. Dù phía trước vẫn còn thử thách, nhưng với tinh thần "Đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm" cùng những kinh nghiệm, bài học và những kết quả toàn diện đã đạt được sẽ là hành trang quý giá để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội dựng xây một Thủ đô giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, hiện đại, văn minh.
Điều này lại càng được khẳng định hơn qua quyết tâm của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: “Cán bộ và nhân dân Thủ đô chủ động, tích cực, sáng tạo hơn nữa để không ngừ ng vươn lên; giải quyết tốt những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt và những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, để xây dựng, phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố.”
Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế cả nước.
Năm 2013, với dân số chiếm 7,84% dân số cả nước, thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước.
Giai đoạn 2008-2014 tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 9,23%/năm, trong đó: dịch vụ tăng 9,8%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,26%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 7,4%, bằng 1,5 lần mức tăng cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 (theo giá thực tế) ước đạt 70 triệu đồng/người, gấp 4,49 lần năm 2005 (15,6 triệu đồng/người).
Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 tăng 7,0-7,5%/năm (theo tiêu chí mới). Tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ còn khoảng 1,5%/năm.