Nhân Ngày Nước thế giới 22/3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tới năm 2040 sẽ có tới 600 triệu trẻ em - nghĩa là trên thế giới cứ 4 em thì có 1 em - sẽ phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Tổ chức này kêu gọi các chính phủ ngay lập tức có những biện pháp để hạn chế tác động đối với cuộc sống của các em.
Trong báo cáo có tên "Khát nước trong tương lai: Nước và trẻ em trong bối cảnh biến đổi khí hậu," UNICEF đã phân tích những mối đe dọa đối với cuộc sống và phúc lợi của trẻ em trong bối cảnh nguồn nước an toàn cạn kiệt và tình trạng biến đổi khí hậu sẽ càng làm tăng những mối đe dọa này trong những năm tới.
Giám đốc điều hành UNICEF, ông Anthony Lake cảnh báo cuộc khủng hoảng nước sẽ càng nghiêm trọng nếu như các quốc gia không hành động tập thể ngay từ bây giờ. Ông cho biết thêm trên khắp thế giới, hàng triệu trẻ em không được tiếp cận nước sạch và "tình trạng này đe dọa cuộc sống, sức khỏe và hủy hoại tương lai của các em."
Các chuyên gia UNICEF nêu rõ trên thế giới có 36 quốc gia đang phải đương đầu với tình trạng nước cực kỳ bẩn. Nhiệt độ ấm lên, mực nước biển tăng, lũ lụt, hạn hán và băng tan nhiều hơn đang ảnh hưởng tới chất lượng, lượng cung nước cũng như các hệ thống vệ sinh. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước tăng cao chủ yếu do công nghiệp hóa và đô thị hóa đang làm cạn kiệt các nguồn nước trên thế giới. Chưa hết, các cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới cũng đe dọa khả năng tiếp cận nước sạch.
Tất cả những yếu tố kể trên buộc trẻ em phải sử dụng nước không an toàn, khiến các em dễ mắc bệnh nguy hiểm như tiêu chảy và bệnh tả. Nhiều trẻ em sống tại các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán nghiêm trọng mỗi ngày phải mất hàng giờ để đi lấy nước, do đó không còn cơ hội để được đến trường. Trẻ em gái đặc biệt dễ bị tấn công và bị lạm dụng tình dục trong bối cảnh như vậy.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với nguồn nước là có thể tránh được nếu như các quốc gia triển khai hành động giúp kiềm chế tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của trẻ em. Một trong những kiến nghị mà UNICEF gửi đến các chính phủ là cần lên kế hoạch về những thay đổi nguồn cung và nguồn cầu nước trong những năm tới, đồng thời đặt ưu tiên số một cho việc giúp những trẻ em dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận nước sạch.
Báo cáo cũng kêu gọi giới kinh doanh hợp tác với các cộng đồng dân cư để ngăn chặn tình trạng nhiễm độc và kiệt quệ nguồn nước sạch, trong khi các cộng đồng nên đa dạng hóa nguồn nước và tăng khả năng tích trữ nước an toàn./.