Những thảm họa do thiên tai gây ra đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn trong 20 năm qua, cướp đi sinh mạng của hơn 600.000 người.
Đây là thống kê được đưa ra trong một báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thảm họa (UNISDR) công bố ngày 23/11 trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tháng này.
Theo bản báo cáo, tính từ năm 1995, các trận lũ lụt, các cơn bão và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã khiến 606.000 người thiệt mạng và 4,1 tỷ người bị thương, rơi vào cảnh vô gia cư hoặc ở trong tình trạng cần sự hỗ trợ khẩn cấp.
Riêng trong giai đoạn 2005 - 2014, các dữ liệu cho thấy đã xảy ra 335 thảm họa thiên tai, tăng 14% so với thập kỷ trước và gần gấp đôi con số kỷ lục ghi nhận được trong giai đoạn 1985-1994.
Bản báo cáo lưu ý xét một cách tổng thể, thế giới đã ghi nhận số lượng các đợt bão lũ đang ngày càng gia tăng, trong khi hạn hán, các đợt nóng và cực lạnh cũng có chiều hướng tương tự.
Cụ thể, lũ lụt chiếm 47% trong tổng số các thảm họa thiên tai trong 20 năm qua, ảnh hưởng hơn 2,3 tỷ người mà đa số đều tập trung ở châu Á.
Khoảng 75% trong số 4,1 tỷ người bị ảnh hưởng là sinh sống tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Những nước tiếp theo có số người dân bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên tai nhiều nhất là Bangladesh (131 triệu người) và Philippines (130 triệu).
Tại Brazil, con số này là 51 triệu người và Kenya- đại diện đến từ châu Phi - là 47 triệu người.
Báo cáo của UNISDR cũng nêu chi tiết những thiệt hại nặng nề về tài sản và cơ sở hạ tầng do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, trong đó có khoảng 87 triệu ngôi nhà bị phá hủy cùng hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện và các cơ sở trọng yếu khác trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
UNISDR ước tính tổng thiệt hại tài chính do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra lên tới 1.900 tỷ USD.
Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ tiếp tục xảy ra nhiều thảm họa thiên tai hơn nữa trong thập kỷ tới.
Trao đổi với báo giới, người đứng đầu UNISDR Margareta Wahlstrom nhấn mạnh nội dung của bản báo cáo trên đã nhấn mạnh tính cấp thiết phải đạt được một thỏa thuận biến đổi khí hậu tổng quan và bền vững tại COP21 sắp tới.
Dự kiến, tại COP21 diễn ra vào ngày 30/11 tới, 195 nước thành viên Liên hợp quốc sẽ thảo luận biện pháp để có thể giữ nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 chỉ tăng tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Giải pháp hiệu quả nhất là giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính./.