64% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoạt động hiệu quả trong quý 1

Các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tiếp tục có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu và thay đổi nguyên tắc 5K linh hoạt để người lao động nhanh chóng quay lại làm việc sau khi nhiễm COVID-19.
Gần 36% các doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất-kinh doanh của họ đang trở nên khó khăn hơn. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ có 64% doanh nghiệp có hoạt động sản xuất-kinh doanh trong quý 1/2022 tốt lên và giữ ổn định so với quý 4/2021 (trong đó 28% tốt lên và 36% giữ ổn định).

Bên cạnh đó, gần 36% các doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất-kinh doanh của họ đang trở nên khó khăn hơn.

Triển vọng phát triển trong quý 2

Theo báo cáo, dịch COVID-19 lây lan nhanh đã khiến một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly. Điều này gây tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời gây khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp trên cả nước.

Về đơn hàng, có gần 27 % doanh nghiệp cho biết có tăng trong quý và 33% doanh nghiệp nhận định giảm. Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI đạt cao nhất với 3%, khu vực doanh nghiệp nhà nước 2% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với âm 12%.

Về ngành, sản xuất phương tiện vận tải có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng cao nhất với 39%. Ngược lại, ngành sản xuất chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất với 41%.

Về dự báo quý 2, các doanh nghiệp lạc quan hơn khi đưa ra đánh giá triển vọng kinh doanh, cụ thể 82% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất-kinh doanh sẽ tốt hơn và giữ ổn định (50% tốt hơn và 32% giữ ổn định) đồng thời tỷ lệ doanh nghiệp tiếp tục dự báo khó khăn chỉ còn gần 18%. Trên cơ sở, 85% doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu quý hai tăng và giữ nguyên so với quý 1 (40% tăng, 45% giữ nguyên) và gần 15% doanh nghiệp dự báo giảm.

Ngành xây dựng cầm chừng

Đối với các lĩnh vực xây dựng, báo cáo cho biết có đến 53% doanh nghiệp chia sẻ tình hình kinh doanh quý 1 của họ gặp khó khăn hơn so với quý 4/2021. Chỉ có gần 29% số doanh nghiệp cho hay tình hình hoạt động duy trì ổn định, 18% số doanh nghiệp nhận định kinh doanh thuận lợi hơn.

Nguyên nhân được nhóm thực hiện báo cáo chỉ ra là bởi giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao, đặc biệt là giá thép “leo thang” đã gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng trong việc hoàn thiện các công trình, dự án đã được ký kết. Thêm vào đó, dịch COVID-19 tuy đã từng bước được kiểm soát nhưng biến chủng mới Omicron khiến số ca mắc tăng cao đồng thời gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trong ngắn hạn trong ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thiếu vốn để có thể khôi phục được hoàn toàn hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, 54% doanh nghiệp dự báo chi phí vật liệu tiếp tục tăng trong quý 2 và chỉ 19% doanh nghiệp cho rằng sẽ có sự điều chỉnh giảm. Nhìn chung, 52% doanh nghiệp vẫn cho rằng hoạt động sản xuất-kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong quý 2 tới và chỉ 19% lạc quan tin tưởng vào tình hình kinh doanh tiếp tục thuận lợi, gần 30% doanh nghiệp cho biết có thể duy trì ổn định.

Về tình hình vay vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh, 62% doanh nghiệp xây dựng cho biết đang vay vốn kinh doanh, với tỷ trọng 95% số doanh nghiệp vay vốn từ hệ thống ngân hàng và 4,9% số doanh nghiệp vay từ nguồn vốn khác. Các doanh nghiệp chia sẻ việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng trong quý 1 đã thuận lợi hơn quý 4/2021. Cụ thể, 28% doanh nghiệp đánh giá tình hình vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn, 48% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 23% doanh nghiệp phàn nàn vay vốn khó khăn hơn,

Đóng góp kiến nghị trong báo cáo, các doanh nghiệp xây dựng đề xuất Chính phủ tiếp tục có các biện pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên tắc 5K cần thay đổi linh hoạt hơn để người lao động có thể nhanh chóng quay lại làm việc sau khi nhiễm COVID-19.

Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng cần có chính sách tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn. Họ mong muốn các cấp ngành, địa phương cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đúng tiến độ, đảm bảo các điều kiện thuận lợi và đầy đủ về thủ tục để dự án có thể triển khai xây dựng và đồng hành với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất cần có sự minh bạch hơn công tác đấu thầu, rà soát lại những nhà thầu thi công chậm tiến độ, năng yếu kém để chuyển cơ hội cho các nhà thầu khác./.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý 1 tiếp tục có sự khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo tăng xấp xỉ 8% và ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định đồng thời ngành khai khoáng đã có sự tăng trưởng dương, chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo với mức tăng trên đã đóng góp trên 2 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng hơn 1%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Về thị trường, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến-chế tạo trong quý này đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoài (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,8%). Ngoài ra, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3 đã tăng gần 5% so với cùng thời điểm tháng Hai và tăng 18% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 22,5%). Như vậy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1 xấp xỉ 80% (bình quân quý 1/2021 là 75%).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục