Mỗi quốc gia, người dân lại có một cách gọi tên Ông già Tuyết khác nhau.
Người Anh gọi nhân vật này là "Father Christmas," người Pháp gọi là "Papa Noel," người Mỹ gọi là "Santa Claus"... nhưng họ lại có chung một câu hỏi: Ông già Tuyết sống ở đâu trên thế giới và hành trình phát quà đêm Giáng sinh trên chiếc xe tuần lộc kéo của ông sẽ được thực hiện như thế nào?
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp lễ Giáng sinh hàng năm, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới lại háo hức theo dõi hành trình của Ông già Tuyết thông qua một trang mạng của Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD).
Trẻ em trên khắp thế giới có thể theo dõi hành trình phát quà theo thời gian thực tế, cũng như số quà còn lại của Ông già Tuyết qua trang web www.noradsanta.org, được thể hiện dưới 8 ngôn ngữ khác nhau.
Hành trình trên được theo dõi chặt chẽ nhờ hệ thống vệ tinh, thiết bị radar hiện đại, máy thu hình và các máy bay chiến đấu của NORAD nhằm định vị vị trí hiện tại cũng như những điểm dừng chân tiếp theo của Ông già Tuyết.
Hoạt động theo dõi hành trình của Ông già Tuyết (Track Santa) đã được khởi xướng từ năm 1955, sau khi tờ báo ở bang Colorado (Mỹ) đăng một quảng cáo dành cho trẻ em, trong đó có số điện thoại của dịch vụ gọi điện cho Ông già Tuyết.
[Hàn Quốc: Làng ông già Noel chính thức mở cửa đón khách]
Do sơ suất, số điện thoại quảng cáo bị in nhầm và vô tình lại là số điện thoại đường dây nóng của Bộ Chỉ huy phòng không lục địa (CONAD), tiền thân của NORAD, đóng ở Colorado Springs.
Một bé gái đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên và cuộc gọi đó được chuyển tới Đại tá Không quân Mỹ Harry Shoup, Giám đốc của CONAD.
Vị quan chức quân sự cam đoan với bé gái rằng ông già Tuyết đang trên đường đến. Khi ngày càng có nhiều trẻ em gọi đến bộ chỉ huy, đơn vị đã quyết định bổ sung đây trở thành một nhiệm vụ mới cho lực lượng.
Đại tá Harry Shoup đã yêu cầu các nhân viên dưới quyền sử dụng hệ thống radar để cập nhật và cung cấp chi tiết hành trình của Ông già Tuyết khi các em nhỏ gọi tới.
Từ sự nhầm lẫn thú vị này, việc theo dõi vị trí của Ông già Tuyết đã trở thành hoạt động thường niên của NORAD nhằm đem lại niềm vui cho các em nhỏ trên khắp thế giới vào mỗi dịp Giáng sinh.
Năm nay sẽ là năm thứ 64 NORAD thực hiện sứ mệnh này, với các cổng thông tin bao gồm Alexa, Onstar, Twitter, Facebook, Instagram và các ứng dụng 3D được phát triển cho các thiết bị di động của Caesium - một nhà thầu quốc phòng và công nghệ thông tin có trụ sở tại Philadelphia.
Các ứng dụng tích hợp công nghệ định vị không gian và vệ tinh với đồ họa độ phân giải cao, hiển thị vị trí thực tế của các ngôi sao, Mặt Trời và Mặt Trăng và bóng tối mà chúng tạo ra tại bất kỳ điểm nào trong hành trình của Ông già Tuyết.
Hàng chục công ty công nghệ, trong đó bao gồm cả Google, Microsoft, Hewlett Packard và Bing Maps, đã chung sức cùng NORAD để mang lại hiệu ứng tuyệt vời cho hoạt động theo dõi hành trình của Ông già Tuyết trên toàn cầu.
Trong khi đó, 1.500 tình nguyện viên đã tham gia công tác trả lời email và các cuộc điện thoại gọi tới đường dây nóng 1-877-HI-NORAD (1-877-446-6723).
Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2018 khoảng 15 triệu lượt người từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã truy cập trang web www.noradsanta.org.
Trong khi đó, dịp Giáng sinh năm nay đã có tới 140.000 cuộc điện thoại gọi tới đường dây nóng nêu trên./.