Sáng nay, ngày 27/6, lần đầu tiên, 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam đã có lễ công bố chung về các chương trình đào tạo kỹ sư.
Các trường gồm trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Thuỷ Lợi và Đại học Mỏ-Địa chất.
Theo đó, các trường cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư như số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.
Cụ thể, các chương trình đào tạo kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sỹ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia. Với khối lượng kiến thức toàn khoá tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hoá, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính. Thứ nhất là mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp cử nhân-kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng cử nhân và kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khoá được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm). Thứ hai là mô hình đào tạo hai giai đoạn với hai chương trình,tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng cử nhân và kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.
Theo bản công bố chung, các trường tham gia ký kết sẽ hợp tác đề xuất xây dựng chuẩn chương trình chung phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời xây dựng và công bố lộ trình thực hiện phù hợp với đặc thù của mỗi trường. Chương trình đào tạo mới cũng có thể được áp dụng cho các khoá đã nhập học, tùy điều kiện thực tế từng trường và nguyện vọng của sinh viên.
Chia sẻ về quyết định ký kết hợp tác này, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, hiện các trường kỹ thuật đào tạo kỹ sư có thời gian, chuẩn đào tạo khác nhau. Từ thực tế này, các trường đều muốn hướng đến chuẩn chung về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đảm bảo đủ điều kiện đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực đòi hỏi các trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu lao động trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo kỹ sư cũng nâng cao chất lượng và mang lại giá trị thực cho bằng kỹ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng kỹ sư truyền thống được chuẩn hoá và nâng cao.
“Sinh viên sẽ có thể có kế hoạch học tập linh hoạt hơn, cơ hội việc làm cao hơn, doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng hơn,” ông Chương nói.
Đây cũng là chia sẻ của phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội: “Chúng tôi mong muốn cung cấp cho người học chương trình có chất lượng đào tạo tốt nhất và cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực trình độ cao, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xã hội. Chúng tôi mong rằng bằng kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam có thể đối sánh và được đánh giá cao trong khu vực và trên toàn thế giới”./.