75 triệu dữ liệu của người dân đã được đưa lên hệ thống

Hiện nay, 75 triệu dữ liệu của người dân đã được quét, đưa vào hệ thống - đó là trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng 8/11.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hiện nay, 75 triệu dữ liệu của người dân đã được quét, đưa vào hệ thống - đó là trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng 8/11.

Đặt vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử nhưng những cơ sở xây dựng dữ liệu dùng chung cho quốc gia như lĩnh vực đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, doanh nghiệp và một số lĩnh vực khác “triển khai quá chậm,” đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Giải pháp đột phá nào để khắc phục tình trạng trên, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay có khoảng 5 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia. Trong số này, có 3 cơ sở dữ liệu “tương đối ổn,” 2 cơ sở dữ liệu bị chậm là cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai.

Tháng 10 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Công an về dự án dữ liệu dân cư và đã bàn, tìm ra giải pháp, cách thực hiện.

“Dự án đã được phê duyệt, được đưa vào dự án đầu tư công trên mạng và cũng đã bắt đầu có tiền ngân sách. Thực ra, Bộ Công an đã triển khai rồi, 75 triệu dữ liệu người dân đã được quét, đưa vào hệ thống. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ tích cực và chúng tôi đã đặt mục tiêu là đến năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu dân cư này sẽ cơ bản hoàn chỉnh,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đối với cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: Đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và cũng tìm ra được giải pháp. Trước đây chúng ta nghĩ nó là một dự án rất lớn thì hiện nay chúng ta tư duy là 1+ 63, nghĩa là 63 địa phương và có 1 tập trung.

Năm nay sẽ xong thiết kế sơ bộ, xong tiêu chuẩn kết nối, xong một số nền tảng để đầu năm 2020 triển khai đồng loạt ra 63 tỉnh, thành phố, cơ quan bộ, cơ quan trung ương.

Dẫn ra việc báo chí phản ánh trường hợp một cụ già góa chồng muốn bán mảnh đất để chia cho con, cháu mà phải lên Ủy ban Nhân dân phường để xin xác nhận độc thân, chưa tái giá, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn dù đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, dân cư nhưng mỗi hệ thống thì do một ngành quản lý.

Dư luận cho rằng các hệ thống này chưa có sự liên thông, chưa được sử dụng, khai thác hiệu quả, chưa được cập nhật thường xuyên, thông tin, dữ liệu còn cục bộ.Việc này gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu và tạo ra tham nhũng vặt. Trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và giải pháp khắc phục triệt để những bất cập nêu trên, giảm tối đa những phiền hà cho người dân trong thời gian tới?

Trước câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các quốc gia hiện nay có hai lựa chọn trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Một là tập trung tất cả các cơ sở dữ liệu vào “một nơi, một chỗ.” Còn chúng ta chọn giải pháp phân tán.

Giải pháp phân tán hay tập trung đều có mặt mạnh, mặt yếu nhưng phân tán thì phải kết nối được. Hiện nay tiêu chuẩn cho các cơ sở dữ liệu là có thể kết nối với nhau. Theo đó, các tỉnh có thể truy nhập và lấy dữ liệu; các bộ cũng có thể truy nhập vào địa phương để lấy được dữ liệu và lấy được dữ liệu liên bộ.

[Kiên quyết chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động báo chí]

Khẳng định cơ sở dữ liệu đã có phiên bản cuối cùng và sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong đó có nội dung rất quan trọng là người dân đến một cơ quan công quyền, đã khai báo thông tin cá nhân thì một cơ quan công quyền khác không được yêu cầu khai báo nữa. Chỉ khai báo một lần!

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Bình (Lào Cai) về việc hiện nay các địa phương, các bộ, ngành đang đầu tư xây dựng những hệ thống cơ sở dữ liệu riêng và chưa được kết nối, gây lãng phí phí trong đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cơ sở dữ liệu thì bắt buộc phải có tiêu chuẩn kết nối. Hiện nay, đã ban bố tiêu chuẩn này và xây dựng đường trục để các cơ sở dữ liệu được kết nối với nhau. Nếu có trục trặc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đứng ra để giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục