Ngày 29/9, lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhóm họp tại Malta để thảo luận vấn đề người di cư.
Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt được bước tiến trong việc đề ra các quy định mới liên quan đến cách khối này đối phó với làn sóng nhập cư trái phép.
Giới chức các nước kỳ vọng đạt được một thỏa thuận trong những ngày tới, mặc dù Italy đã đề nghị cần có thêm thời gian để xem xét văn bản này.
[LHQ hối thúc hành động sau các thảm kịch chìm tàu ở Địa Trung Hải]
Trước đó, Chủ tịch von der Leyen đã công bố kế hoạch 10 điểm để giúp Italy giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.
Dự kiến, bà von der Leyen sẽ hội đàm với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh Malta về việc thực hiện kế hoạch trên, trong đó bao gồm cả khả năng kéo dài các sứ mệnh của lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải.
Chín nước Địa Trung Hải gồm Croatia, Cyprus, Pháp, Hy Lạp, Italy, Malta, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết bộ này đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan tương ứng của Ba Lan và Cộng hòa Séc về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung nhằm chống lại tội phạm buôn người và ngăn chặn xâm nhập biên giới trái phép.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Faeser cho biết Cảnh sát Đức sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Cảnh sát Ba Lan và Séc trong cuộc chiến chống tội phạm buôn người.
Theo thỏa thuận, lực lượng đặc nhiệm chung sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol).
Cảnh sát Đức cũng sẽ phối hợp với cảnh sát hai nước láng giềng để tiến hành tuần tra chung tại khu vực biên giới của 3 quốc gia.
Báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 28/9 cho thấy số người di cư thiệt mạng và mất tích khi tìm cách vượt Địa Trung Hải vào châu Âu đã tăng 33% trong gần 10 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái
Cụ thể, tính từ đầu năm nay đến ngày 24/9, có hơn 2.500 người di cư thiệt mạng và mất tích trên Địa Trung Hải, trong khi con số trong cùng thời gian của năm 2022 là 1.680 người.
Ngoài ra, có khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam châu Âu đã đặt chân đến Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta. Trong số đó, có hơn 133.000 người đến Italy, tăng gần gấp đôi so với cùng thời gian năm 2022./.