96% kho vũ khí hóa học của Syria đã được tiêu hủy và hiện chỉ còn 12 cơ sở sản xuất đang trong quá trình phá hủy nốt.
Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Phái bộ chung Liên hợp quốc - Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Phát biểu trước báo giới, Điều phối viên đặc biệt của phái bộ chung, bà Sigrid Kaag, cho biết đã chuyển báo cáo tới tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an.
Cũng theo bà Sigrid Kaag, 12 cơ sở còn lại gồm có 7 nhà chứa và 5 đường hầm vận chuyển vũ khí hóa học. Do đó, việc phá hủy các cơ sở này chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật và tổ chức giám sát.
Trước đó, hôm 18/8, Mỹ và phái bộ chung Liên hợp quốc - OPCW thông báo đã tiêu hủy toàn bộ số chất hóa học có thể dùng để sản xuất vũ hí hóa học ở Syria. Theo kế hoạch, phái bộ chung Liên hợp quốc - OPCW sẽ kết thúc nhiệm vụ ngày 30/9 và chuyển giao sứ mệnh cho OPCW.
Mặc dù thông báo đã tiêu hủy 96% kho vũ khí hóa học của Syria, song bà Sigrid Kaag vẫn bày tỏ quan ngại về những vũ khí có thể còn sót lại liên quan đến việc kê khai vũ khí hóa học của Syria. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cũng thể hiện lo lắng về số vũ khí hóa học chưa được công khai của Syria, cho rằng số vũ khí này có thể rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Theo bà, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục gây sức ép để đạt được một giải pháp toàn diện, hóa giải mọi bất đồng cũng như quan ngại về số lượng vũ khí hóa học có thể còn sót lại trong quá trình thanh sát và kê khai...
Việc tiêu hủy kho vũ khí của Syria được triển khai sau khi chính quyền Damascus chấp nhận một kế hoạch quốc tế do Nga đề xuất hồi tháng 10 năm ngoái, theo đó Syria đồng ý cho tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này, ước đoán vào khoảng 1.300 tấn, để đổi lấy việc Mỹ hủy bỏ kế hoạch không kích lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Việc đưa toàn bộ vũ khí hóa học và hóa chất nguy hiểm ra khỏi Syria được cho là điều kiện cơ bản trong chương trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh việc di dời vũ khí hóa học và hóa chất nguy hiểm, Syria cũng phải chấm dứt mọi hoạt động sản xuất loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này như phá bỏ các thiết bị và đầu đạn có thể chứa nguyên liệu hóa học, phá hủy các cơ sở liên quan.../.