ADB muốn hợp tác thay vì coi AIIB là một đối thủ cạnh tranh

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết ADB muốn hợp tác với AIIB để đáp ứng nhu cầu đầu tư đang ngày càng gia tăng ở châu Á, và không xem ngân hàng này là một đối thủ cạnh tranh.
ADB muốn hợp tác thay vì coi AIIB là một đối thủ cạnh tranh ảnh 1(Nguồn: scmp.com)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ phải giải quyết một loạt các thách thức kinh tế tại cuộc họp thường niên kéo dài 4 ngày trong tuần này, trong đó có tương lai của ADB trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sự hiện diện trong việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Thương mại tự do, toàn cầu hóa, già hóa dân số, các vấn đề môi trường, bất bình đẳng giới và xu hướng tự động hóa là những chủ đề chính sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của ADB diễn ra ở Philippines từ ngày 3-6/5.

Phó Chủ tịch ADB Stephen Groff cho biết ngân hàng có trụ sở tại Manila này đang vạch ra một chiến lược tổng thể dài hạn mới đến năm 2030 để đạt được mục tiêu xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương "thịnh vượng, phát triển toàn diện, ổn định và bền vững.”

ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á từ 5,8% lên 6% nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, song cho rằng các biện pháp mang tính bảo hộ của Mỹ và những động thái trả đũa kéo theo có thể làm suy yếu hoạt động thương mại.

[AIIB chính thức phê chuẩn khoản vay 1,5 tỷ USD cho Ấn Độ]

Thành lập năm 1966 với sứ mệnh giúp hàng trăm triệu người dân châu Á thoát nghèo, ngân hàng ADB với sự dẫn dắt của Nhật Bản có 67 thành viên, từ những quốc gia đang gặp nhiều khó khăn như Bangladesh và Pakistan, đến những nền kinh tế đang phát triển bùng nổ như Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó hai nước có đóng góp tài chính lớn nhất là Nhật Bản và Mỹ.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã đặt dấu hỏi vai trò của ADB trong tương lai.

Nhiều dự án BRI được hỗ trợ bởi các ngân hàng quốc doanh và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc.

AIIB, được cho là đối trọng của ADB với 84 thành viên, được thành lập ở Trung Quốc nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vốn khổng lồ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á đến năm 2030.

Tuy nhiên, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết ADB muốn hợp tác với AIIB để đáp ứng nhu cầu đầu tư đang ngày càng gia tăng ở châu Á, và không xem ngân hàng này là một đối thủ cạnh tranh.

ADB dự đoán cho đến năm 2030, khu vực châu Á đang phát triển sẽ cần đầu tư đến 1.700 tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng để có thể duy trì đà tăng trưởng, giải quyết đói nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tính đến nay, ADB và AIIB đã cùng tham gia cấp vốn cho 4 dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan, Bangladesh, Gruzia và Ấn Độ, với tổng số vốn lên đến hơn 700 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.