Ai Cập bắt đầu triển khai hệ thống trợ cấp lương thực mới

Ai Cập sẽ triển khai hệ thống thẻ thông minh trong phân phối lương thực bắt đầu từ tháng Bảy tới nhằm cắt giảm các chương trình trợ cấp ngân sách hết sức tốn kém và bị thất thoát lớn.
Ai Cập bắt đầu triển khai hệ thống trợ cấp lương thực mới ảnh 1Người dân Ai Cập xếp hàng mua bánh mỳ ở Cairo. (Nguồn: cnbc.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Chính phủ Ai Cập sẽ bắt đầu cho triển khai đại trà hệ thống thẻ thông minh trong phân phối lương thực bắt đầu từ tháng Bảy tới, trong một nỗ lực cắt giảm các chương trình trợ cấp ngân sách hết sức tốn kém và bị thất thoát lớn.
Bộ trưởng Cung ứng Khaled Hanafi cho biết khoảng 25 triệu hộ gia đình ở Ai Cập đã được cấp phát thẻ thông minh để mua 20 mặt hàng khác nhau được nhà nước trợ giá tại các cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc bắt.
Việc triển khai hệ thống mới này nhằm khuyến khích người dân mua bánh mỳ theo nhu cầu thực tế, qua đó giúp giảm ngân sách dùng để nhập khẩu lúa mỳ.
Ai Cập hiện là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới với khoảng 10 triệu tấn mỗi năm. Ngân sách chi cho trợ cấp lương thực trong năm tài chính 2013-2014 (kết thúc vào ngày 30/6 tới) dự kiến lên tới 32 tỷ bảng Ai Cập (4,5 tỷ USD), trong đó 2/3 dành cho trợ cấp bánh mỳ.
Chính quyền Ai Cập cho rằng lượng tiêu thụ lúa mỳ cao nói trên một phần xuất phát từ tình trạng người dân mua bánh mỳ được trợ giá làm thức ăn cho gia súc do giá bán rẻ hơn nhiều so với các loại thức ăn chăn nuôi.
Hiện tại các hộ gia đình thuộc chương trình trợ giá lương thực ở Ai Cập được mua một lượng dầu ăn, đường và gạo theo hạn định hàng tháng, nhưng lượng bánh mỳ không bị hạn chế.
Theo hệ thống mới, mỗi thẻ thông minh có chứa một lượng điểm được tính toán dựa trên số thành viên của từng hộ gia đình và các mặt hàng được trợ giá tương đương các mức điểm khác nhau.
Điều này sẽ hạn chế người dân tiêu thụ bánh mỳ để dành điểm mua các loại thực phẩm khác. Danh sách các mặt hàng dự kiến sẽ được nâng lên 100 sản phẩm trong vài tháng tới.
Hệ thống này cũng sẽ giúp ngăn chặn thất thoát và tham nhũng hiện nay, do các cửa hàng sẽ phải mua các mặt hàng theo nhu cầu của người tiêu dùng, thay vì chính phủ cung cấp hàng mà không có số liệu tiêu thụ thực tế.
Hệ thống thẻ thông minh trong phân phối bánh mì đã được triển khai thí điểm từ tháng Tư vừa qua tại tỉnh Port Said, kết quả ban đầu cho thấy lượng tiêu thụ bánh mỳ đã giảm tới 30%.
Trợ cấp lương thực lâu nay đã là một vấn đề hết sức nhạy cảm quyết định sinh mệnh chính trị của các nhà lãnh đạo Ai Cập. Chính phủ nước này đã trợ giá bột mỳ cho các nhà sản xuất từ những năm 50 của thế kỷ trước để cung cấp bánh mỳ giá rẻ cho người dân.
Bạo loạn từng nổ ra năm 1977 khi chính quyền của cố Tổng thống Anwar Sadat cắt giảm trợ cấp bánh mỳ. Những năm gần đây, nước này từng có kế hoạch sửa đổi hệ thống trợ cấp lương thực và nhiên liệu bằng cách sử dụng thẻ thông minh song chưa thực hiện được do lo ngại bất ổn xã hội./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.