Ai Cập cấp phép cho các tổ chức quốc tế giám sát bầu cử quốc hội

Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập (HEC) thông báo đã cấp phép cho năm tổ chức quốc tế với tổng cộng 790 quan sát viên tham gia giám sát cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 21/3.
Ảnh minh họa. (Nguồn: cnn)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 26/1, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập (HEC) thông báo đã cấp phép cho năm tổ chức quốc tế với tổng cộng 790 quan sát viên tham gia giám sát cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 21/3.

Ngoài ra, 63 tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương với tổng cộng gần 94.100 quan sát viên cũng được cấp phép tham gia giám sát cuộc bỏ phiếu này. Ai Cập cũng dự định huy động khoảng 16.000 thẩm phán để giám sát quá trình bỏ phiếu trên toàn quốc.

Hôm 25/1, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Liên minh châu Phi (AU) sẽ cử một phái đoàn gồm 50-60 thành viên tham gia giám sát cuộc bầu cử lập pháp tại nước này.

Trong khi đó, hôm 15/1, Nghị viện châu Âu (EP) thông báo sẽ không cử phái đoàn giám sát cuộc bầu cử quốc hội tại Ai Cập. Với lý do cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức hồi tháng 5/2014 tại quốc gia Bắc Phi này "không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế," EP cho rằng "không thích hợp" để cử các quan sát viên tham gia giám sát cuộc bầu cử sắp tới.

Tương tự, Viện Carter của Mỹ cũng thông báo sẽ không tham gia giám sát cuộc bỏ phiếu này do "bầu không khí chia rẽ" tại Ai Cập.

Theo lịch trình được HEC công bố trước đó, cuộc bầu cử nói trên sẽ được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một diễn ra từ ngày 21-23/3 và giai đoạn hai từ ngày 25-27/4.

Trong trường hợp phải tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai, giai đoạn một sẽ diễn ra từ ngày 31/3 đến ngày 2/4 và giai đoạn hai từ ngày 5-7/5. Ước tính có khoảng 55 triệu cử tri Ai Cập đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này.

Trước đó, tháng 12/2014, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ký phê chuẩn Luật khu vực bầu cử, theo đó Ai Cập sẽ được chia thành 237 đơn vị bầu cử bầu cho các ứng cử viên độc lập và bốn đơn vị bầu cử theo danh sách đảng.

Quốc hội Ai Cập sẽ gồm tổng cộng 567 ghế nghị sỹ, trong đó 420 ghế dành cho các ứng cử viên độc lập, 120 ghế cho các đảng và 27 ghế do tổng thống chỉ định.

Bầu cử quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào mùa Hè năm ngoái.

Kể từ tháng 6/2012, Ai Cập bị khuyết Quốc hội sau khi cơ quan lập pháp này phải giải tán theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao chỉ sáu tháng sau khi được bầu.

Theo quy định của Hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào đầu năm nay, bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức trong vòng sáu tháng kể từ khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục