Theo số liệu mới nhất của cơ Cơ quan thống kê trung ương Ai Cập, dân số nước này đã chạm ngưỡng 96,3 triệu người giai đoạn đầu năm 2018.
Với tốc độ tăng trưởng dân số bình quân 2,5%/năm như hiện nay, xứ sở Kim tự tháp dự kiến sẽ cán mốc 151 triệu người vào năm 2050. Tình trạng bùng nổ dân số tại Ai Cập khiến quốc gia này phải tính tới những phương sách và theo đuổi mục tiêu dân số mới.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã mô tả vấn đề tăng trưởng dân số “quá nóng” là một trong những mối nguy lớn nhất mà quốc gia đang phải đối mặt, bên cạnh chủ nghĩa khủng bố. Nhiều biện pháp khác nhau đã được Ai Cập triển khai để giải quyết “bài toán” này.
Năm 2014, Ai Cập đã đưa ra chiến lược quốc gia về phát triển và dân số giai đoạn năm 2015-2030. Hiến pháp sửa đổi của Ai Cập cũng lần đầu tiên thể hiện những cam kết quốc gia trong thực thi chương trình dân số. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đáng ghi nhận đó, việc kiểm soát tình trạng bùng nổ dân số tại Ai Cập đến nay vẫn chưa đạt được những kết quả tích cực, chủ yếu do thiếu một khuôn khổ quản lý hợp lý và hiệu quả.
[Saudi Arabia và Ai Cập lập quỹ chung 10 tỷ USD phát triển siêu đô thị]
Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu công luận Ai Cập, Maged Osman cho rằng tỷ lệ sinh tại nước này vào năm 2027 có thể tương đương với chín quốc gia châu Âu cộng lại. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn đối với giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ công.
Để giải quyết vấn đề dân số, Ai Cập cần sự chung tay của chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự, thông qua việc tăng cường nguồn ngân quỹ phù hợp cho các chương trình mục tiêu dân số, nâng cao nhận thức truyền thông và vai trò nữ giới. Bên cạnh đó, Ai Cập cần một kế hoạch hành động tập trung cũng như một khuôn khổ thể chế rõ ràng và hiệu quả.
Chia sẻ quan điểm trên, Giám đốc Cơ quan hoạch định chính sách kinh tế Ai Cập, Abla Abdel-Latif cũng cho rằng quốc gia này cần một khuôn khổ có thể hoạch định và thực thi các mục tiêu dân số. Ai Cập cần một cơ quan tiên phong để đảm nhận trách nhiệm đó và không chỉ giới hạn trong một bộ ngành cụ thể.
Bên cạnh đó, Hội đồng Dân số Ai Cập sẽ có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các đề xuất và chuyển hóa những ý tưởng đó vào trong chương trình tổng thể để thực thi và phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác.
Một số biện pháp khác được giới hoạch định chính sách Ai Cập khuyến nghị như phân bổ nguồn ngân quỹ đặc biệt từ ngân sách Bộ Y tế để giải quyết các vấn đề dân số, nối lại hoạt động của các phòng khám di động, xây dựng một cơ sở dữ liệu dân số chính xác và tăng cường các chiến dịch truyền thông dân số có tính tới những khác biệt về địa lý, giáo dục và văn hóa trong các cộng đồng dân cư./.