Ngày 3/6, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về hòa bình Israel và Palestine ở Paris của Pháp, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện cam kết của mình nhằm biến nhà nước Palestine trở thành một "thực thể có thực."
Ngoại trưởng Ai Cập bày tỏ sự ủng hộ của chính quyền Cairo đối với Sáng kiến hòa bình Arab được đưa ra vào năm 2002, trong đó kêu gọi Israel rút quân khỏi lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng vào năm 1967, bao gồm khu vực Đông Jerusalem, để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với các nước Arab.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập cũng kêu gọi Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) "thúc đẩy tiến trình hòa bình hướng tới một giải pháp" mà theo quan điểm của Ai Cập là giải pháp "toàn diện và công bằng" cho vấn đề Palestine. Đây chính là con đường giúp duy trì sự ổn định ở khu vực Trung Đông.
Ông Shoukry nói thêm rằng cộng đồng quốc tế phải thực hiện các "cam kết của mình để đưa nhà nước Palestine" trở thành "một thực tại hữu hình" và người Palestine và Israel cùng "chung sống một cách hòa bình."
Ngoại trưởng Ai Cập nhấn mạnh rằng sự hài hòa "giữa tính hợp pháp và sự cân bằng lợi ích" là một điều kiện tiên quyết cho sự ổn định, đồng thời chỉ trích những "sơ suất" chưa từng có của tiến trình hòa bình Trung Đông, kể từ khi Hiệp định Oslo được ký kết vào năm 1993, theo đó Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) công nhận lẫn nhau lần đầu tiên.
Báo Ha'aretz cùng ngày dẫn lời một quan chức cấp cao Ai Cập cho biết Cairo không thúc đẩy nỗ lực riêng nhằm khôi phục tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Tuy nhiên, quan chức giấu tên này cho rằng không có đàm phán hay dấu hiệu về một nỗ lực nhằm đưa ra một kế hoạch mới hay làm suy yếu sáng kiến của Pháp, đồng thời khẳng định Ai Cập đang tập trung thúc đẩy nỗ lực của Paris.
Giới chức Palestine cho rằng Cairo có thể đang chuẩn bị thúc đẩy một sáng kiến khác bên cạnh nỗ lực của Pháp và thiết lập một nhóm hỗn hợp với Israel và Palestine trong tương lai. Nhưng theo những nguồn tin trên, vào thời điểm này, đây mới chỉ là những ý tưởng sơ bộ mà chưa chín muồi thành những kế hoạch thực sự.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tái khẳng định lập trường của nước này về đàm phán trực tiếp với Chính quyền Palestine.
Truyền thông Israel dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, ông Netanyahu đã kêu gọi Pháp và các đối tác của Paris khuyến nghị Tổng thống Mahmud Abbas chấp nhận lời mời ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp vì điều này sẽ có lợi hơn việc tổ chức một hội nghị hòa bình cấp cao.
Ông Netanyahu cũng nhấn mạnh rằng sáng kiến hòa bình của Pháp sẽ chỉ khiến Palestine có quan điểm cứng rắn hơn và có thể gây tổn hại tới các nỗ lực có tiềm năng thành công trong khu vực.
Tại hội nghị cấp cao ở Paris cùng ngày, cộng đồng quốc tế đã cam kết theo sáng kiến của Pháp. Ngoại trưởng Ayrault cảnh báo rằng khoảng trống ngoại giao khiến triển vọng về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột đang "thực sự lâm nguy" và thế giới không thể "khoanh tay đứng nhìn," trong bối cảnh đàm phán hòa bình gián tiếp Israel-Palestine đã sụp đổ hơn 2 năm.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Palestine đã đánh giá cao hội nghị được tổ chức tại Paris và nhận định đây là "một bước tiến quan trọng" trên con đường dẫn tới hòa bình.
Trong một thông báo, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Saeb Erekat khẳng định: "Cuộc gặp ở Paris là một bước tiến rất quan trọng và thông điệp của cuộc gặp này rất rõ ràng. Đó là nếu Israel được phép tiếp tục các chính sách thực dân hóa và phân biệt chủng tộc tại những vùng đất chiếm đóng của Palestine, tương lai sẽ chỉ thêm chủ nghĩa cực đoan và đổ máu, thay vì cùng tồn tại và hòa bình."
Ngày 3/6, Pháp đã tổ chức hội nghị cấp ngoại trưởng để bàn về các cuộc đàm phán bị bế tắc giữa Israel và Palestine với các đại diện từ 28 quốc gia, Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu và Liên hợp. Tuy nhiên cả Israel và Palestine đều không tham dự hội nghị này.
Trong cuộc họp, cộng đồng quốc tế đã gây sức ép để Israel và Palestine nối lại đàm phán hòa bình vốn sụp đổ cách đây hơn 2 năm; đồng thời nhất trí tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế vào cuối năm nay, trong đó các bên sẽ được đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước./.