Ai Cập kỷ niệm một năm làn sóng biểu tình trong bạo lực

Ngày 30/6, trong bạo lực và chia rẽ sâu sắc, Ai Cập kỷ niệm một năm nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.
Lực lượng đặc nhiệm Ai Cập gác bên ngoài tòa án Heliopolis ngày 25/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 30/6, trong bạo lực và chia rẽ sâu sắc, Ai Cập kỷ niệm một năm nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.

Phần lớn các lực lượng từng đi đầu trong làn sóng biểu tình ngày 30/6 năm ngoái cho biết sẽ không tham gia các hoạt động ăn mừng sự kiện này, xuất phát từ Luật biểu tình gây tranh cãi được chính quyền lâm thời Ai Cập thông qua vào tháng 11 năm ngoái cũng như chiến dịch đàn áp mạnh tay đối với các nhà hoạt động.

Phong trào Tamarod (Nổi dậy) - lực lượng từng phát động chiến dịch trên toàn quốc thu thập được hơn 22 triệu chữ ký đòi ông Morsi từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn - cho biết không kêu gọi tổ chức lễ kỷ niệm ngày 30/6, đồng thời nhấn mạnh rằng công việc quan trọng nhất là đưa Ai Cập thoát khỏi giai đoạn hiện nay.

Nhiều lực lượng chính trị khác cũng cho biết sẽ không tham gia lễ kỷ niệm để dành ưu tiên cho các vấn đề khác.

Đảng Dân chủ Xã hội Ai Cập (ESDP) của cựu Thủ tướng lâm thời Hazem El-Beblawi khẳng định sẽ đứng ngoài lễ kỷ niệm do chính quyền mới đây phạt tù nhiều thủ lĩnh cách mạng dựa vào Luật biểu tình gây tranh cãi.

Tương tự, đảng Phong trào Nhân dân Ai Cập của chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi từ chối tham gia mặc dù lực lượng này từng đi đầu kêu gọi lật đổ chính quyền Morsi một năm trước đây.

Đại diện của đảng nhấn mạnh "không có thời gian để ăn mừng" khi phải chứng kiến các hành động đàn áp quyền tự do ngôn luận thông qua bắt giữ các nhà hoạt động.

Trong khi đó, một số nhóm chính trị, trong đó có đảng Ai Cập Tự do, cho biết sẵn sàng cho lễ ăn mừng kỷ niệm một năm làn sóng biểu tình dẫn tới lật đổ cựu Tổng thống Morsi vào tối 30/6 trước cửa Phủ tổng thống Ittihadiya sau lễ xả chay Iftar.

Tuy nhiên, kế hoạch trên đã bị đổ vỡ hoàn toàn sau loạt vụ đánh bom gần địa điểm đó khiến 2 cảnh sát thiệt mạng và 13 người khác bị thương.

Vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào địa điểm mang tính biểu tượng cho quyền lực này do nhóm thánh chiến "Ajnad Masr" (Chiến binh Ai Cập) thực hiện đã khiến chính quyền Ai Cập quyết định phong tỏa quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo do lo ngại xảy ra các vụ tấn công tương tự.

Tahrir từng là trung tâm của các cuộc biểu tình rầm rộ lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarrak và người kế nhiệm Mohamed Morsi, đồng thời là một trong những địa điểm dự kiến diễn ra các hoạt động kỷ niệm ngày 30/6.

Trong diễn biến khác, ngày 30/6, Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo dẫn đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi - đã phát động làn sóng "nổi dậy" mới vào ngày 3/7 tới nhân một năm diễn ra cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Hồi giáo này.

Trong một tuyên bố, liên minh này cho biết sẽ tổ chức biểu tình trước nhà của các thẩm phán, Chủ tịch Câu lạc bộ thẩm phán, Bộ trưởng Nội vụ và Tổng tư lệnh quân đội trước khi kéo về tập trung tại quảng trường Tahrir.

NASL cũng kêu gọi những người ủng hộ biểu tình trước tất cả các thánh đường Hồi giáo và tại các quảng trường trên toàn quốc, đồng thời cho rằng kế hoạch cắt giảm trợ cấp nhiên liệu của Chính phủ là "ranh giới đỏ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục